(HNM) - Chuyện xưa: Cho tới đầu thế kỷ XX, ngày ngày vẫn có ông Từ đền Ngọc Sơn (nơi thờ Văn Xương Đế quân, ông thần coi việc văn chương chữ nghĩa), gánh một đôi bồ đi quanh khu vực mà nay ta gọi là khu phố cổ, hễ thấy mảnh giấy nào có chữ bị vứt, ông nhặt lấy, cho vào bồ rồi cuối ngày, gánh về đền, thắp hương, khấn vái rồi cho giấy ở hai bồ vào tháp hỏa đốt.
Các cụ ta xưa cho rằng chữ viết do thánh hiền đặt ra để ghi chép những điều hay, lẽ phải nên phải kính trọng, không thể tùy tiện sử dụng và càng không được vứt bừa bãi. Vì vậy nên người xưa, ngay cả trẻ con, cũng biết lễ ấy, nên không bao giờ dám nói, lại càng không dám viết những câu tục tĩu…
Chữ như vậy nên các cụ ta xưa rất tôn trọng, không hề có chuyện cẩu thả. Cuối thế kỷ XIX, thời kỳ hội nhập văn hóa Đông - Tây ở Hà Nội, nghề in có phát triển nhưng vẫn làm theo kiểu cũ, tức là muốn in một quyển sách thì phải thực hiện đúng như cách trình bày rồi nhờ thợ khắc. Và mặc dù rất kỳ công nhưng hễ mỗi chữ sai thì phải đục đi rồi làm lại. Cho nên bản in không bao giờ có chuyện đính chính.
Chuyện nay: Bây giờ, báo chí nhiều, sách vở lắm, in rất sẵn (sai sót và đính chính, không tính tới chuyện đạo nọ, đạo kia còn nhiều hơn). Nhưng cái chính bây giờ dường như người ta không còn tôn trọng chữ nghĩa như trước. Hơn nửa thế kỷ trước, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có một bài viết nổi tiếng: "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt". Ngay từ khi đó, lãnh đạo đất nước đã nhận thấy có những lệch lạc trong việc sử dụng tiếng Việt và đã chỉ ra được xu hướng đó. Có một thời Bách hóa tổng hợp vì viết tắt nên dân gian đọc thành Ba hoa tô hô... Đó là chuyện không chính thức.
Chính thức là hiện tại trên báo, truyền hình rất sẵn tiếng Anh. Thậm chí, nếu không có tiếng Anh nguyên bản thì người ta cho rằng mình chưa đủ trình độ. Thật không hiểu nổi. Danh từ riêng không dịch đã đành, nhưng tên bài hát, tên phim họ cũng không buồn dịch vì họ nói rằng tiếng Việt không đủ để diễn tả (Kịch của Sếch-spia, tiểu thuyết của Đích-ken... đã được người Việt dịch sang tiếng Việt rất tuyệt cách đây hơn nửa thế kỷ). Tại nhiều kỳ họp của HĐND tỉnh, nhiều đại biểu nói rất to, rất hăng hái trước ống kính truyền hình: Cái Gi Đi Pi (GDP) của ta, cái Vê A Tê (VAT) của ta... mà không hề quan tâm là cử tri có hiểu họ nói gì hay không và thực chất bản thân họ có hiểu gì hay không. Hay tại kỳ họp trong phiên trả lời chất vấn truyền hình trực tiếp, có đại biểu phải tới 10 phút cứ nhận định rất to rằng cái Si Pi Ai (CPI) của ta, cái Si Pi Ai của Tây... Si Pi Ai là cái gì? Liệu cử tri có thể hiểu được không? Sao họ cứ nhất thiết lắm chữ khi tiếng Việt rất sẵn có là Chỉ số giá tiêu dùng...
Chuyện xưa, chuyện nay về văn và chữ là vậy. Xưa hay nay cũng chỉ có một. Đó là tiếng Việt, một trong những nền tảng của bản sắc văn hóa dân tộc. Người xưa đã cố bảo vệ tiếng Việt cho đẹp đẽ, trong sáng thì nay chúng ta làm gì, làm thế nào với di sản ấy của người xưa?
Chuyện Lễ - Văn xưa nay là vậy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.