Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện không hề nhỏ

HÀ ANH| 07/01/2022 14:56

(HNMCT) - Tối thứ hai vừa rồi, tôi đi đổ rác như thường lệ. Lúc mở cửa bước ra ngoài thì sực nhớ hôm nay là ngày 3-1, ngày thứ ba Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực (từ 1-1-2022). Và nếu chiểu theo điều 75 của Luật này thì không chỉ nhà tôi hay mọi gia đình ở cụm dân cư nơi tôi sinh sống, mà hàng chục triệu hộ gia đình trong cả nước cũng đều phải phân loại rác trước khi đem bỏ vào nơi quy định, nếu không sẽ bị đơn vị có trách nhiệm thu gom, vận chuyển rác từ chối thu gom, vận chuyển rác (quy định tại điều 77 của Luật).

Để tránh bị từ chối phục vụ, tôi lập tức gọi điện tới tổ trưởng dân phố. Qua trao đổi thì được biết, đến thời điểm này, tức là đã qua 3 ngày Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, nhưng tổ dân phố cũng chưa nhận được thông tin, văn bản tuyên truyền hay động thái hướng dẫn gì liên quan đến các quy định mới về bảo vệ môi trường. Thực tế tại điểm đổ rác, tất cả các loại rác thải sinh hoạt vẫn được người dân đựng trong túi nilon bình thường và để chung vào một chiếc xe đẩy. Có thể thấy việc phân loại rác thế nào, bao bì dùng để đựng/ phân loại rác (đúng quy định, như Luật yêu cầu) mẫu mã như thế nào, do ai/ đơn vị nào cung cấp… dường như vẫn là chuyện xa vời. Thậm chí rất có thể không ít hộ gia đình còn chưa biết, chưa nắm được nội dung cũng như thời điểm Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực để mà nghiêm túc chấp hành. Thực trạng này không rõ chỉ có ở khu vực dân cư nơi tôi sinh sống hay nhiều nơi khác cũng thế?

Người ta thường nói: "Chuyện nhỏ như rác”. Nhưng trên thực tế rác không hề là chuyện nhỏ. Từ rất lâu các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… đã thường xuyên phải đối phó với “khủng hoảng rác”. Rác thải sinh hoạt và xử lý rác luôn là vấn đề nóng của cả đô thị lẫn nông thôn. Đáng nói, trong khi rất nhiều nước trên thế giới đã sử dụng công nghệ tiên tiến để biến rác thải thành tài nguyên, nói cách khác là biến rác thành tiền (sản xuất phân bón hữu cơ, vật liệu xây dựng, thậm chí đốt rác để phát điện), thế nhưng ở nước ta cho đến nay việc xử lý rác vẫn chủ yếu bằng công nghệ hết sức sơ khai, đó là chôn lấp. Trong số 25 triệu tấn rác thải sinh hoạt của cả nước mỗi năm, chỉ có 30% được đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, còn lại 70% đem chôn lấp (ở Hà Nội là 80%). Theo các chuyên gia, cứ 1m3 rác thải đem chôn lấp sẽ phát sinh ra 1,3m3 nước rỉ rác, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân…

Để xây dựng Thủ đô thành một thành phố văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, đáng sống thì phải có giải pháp xử lý rác thải một cách căn cơ, bền vững. Và phân loại rác ngay từ đầu nguồn chính là khâu đầu tiên, đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đây không phải câu chuyện gì mới. Nhiều người còn nhớ năm 2006, nghĩa là cách đây gần 16 năm, Hà Nội đã thực hiện thí điểm phân loại rác thải từ đầu nguồn tại 4 phường nội đô (dự án 3R, do JICA tài trợ). Sau một thời gian triển khai, dự án được đánh giá là đã thu được kết quả khả quan. Với 30% rác thải được tái chế, tổng lượng rác thải giảm thiểu mỗi năm ở 4 phường này lên tới 4.680 tấn. Tuy nhiên, sau khi hết tài trợ thì dự án đã phải ngừng. Một chủ trương tốt đẹp không những không được lan tỏa, nhân rộng mà còn bị chết yểu. Và điều quan trọng là ý thức, kiến thức về việc phân loại rác thải từ đầu nguồn đối với số đông người Hà Nội vẫn là con số 0.

Nhắc chuyện cũ để thấy việc phân loại rác thải không hề là chuyện đơn giản. Nếu không được triển khai một cách khoa học, hợp lý, đặc biệt là phải có sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội, từ hệ thống chính trị cho đến người dân, bên cạnh đó là các biện pháp tuyên truyền thấu tình, đạt lý cùng với các chế tài hiệu quả nhằm căn chỉnh hành vi, bồi đắp ý thức bảo vệ môi trường bền vững của các cá nhân, tổ chức trong xã hội, e rằng một chính sách ưu việt như Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng sẽ khó đi vào cuộc sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện không hề nhỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.