Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thi hành hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường

Hoàng Sơn| 18/06/2023 06:15

(HNM) - Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có tầm quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, thành phố Hà Nội luôn quan tâm chỉ đạo đưa luật vào cuộc sống. Xung quanh nội dung này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về nhiệm vụ, giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc, nhằm thi hành Luật Bảo vệ môi trường đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái.

Những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường

- Ông có thể cho biết, điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là gì?

- Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17-11-2020, có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Luật có nhiều điểm mới nhằm khắc phục những hạn chế của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Cụ thể, luật mới chia các dự án đầu tư thành 4 nhóm, dựa trên đánh giá từ nhiều tiêu chí khác nhau, như: Quy mô, công suất, loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; diện tích sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển; quy mô khai thác tài nguyên thiên nhiên; yếu tố nhạy cảm về môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tiếp cận phương pháp quản lý môi trường xuyên suốt, khoa học đối với dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường. Thêm vào đó, việc bổ sung tiêu chí môi trường và đối tượng phải đánh giá tác động môi trường có thể coi là căn cứ để các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc nộp đúng và đủ hồ sơ, giúp cơ quan quản lý nhà nước nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát...

Luật mới cũng cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, thông qua việc tích hợp các giấy phép, giấy xác nhận về môi trường vào một giấy phép môi trường, qua đó giảm chi phí cho doanh nghiệp và giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát hiệu quả tác động môi trường đến từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...

- Sau hơn một năm Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, thành phố Hà Nội đã triển khai như thế nào, thưa ông?

- Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 27-8-2021 và nhiều văn bản về triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trên địa bàn thành phố; đôn đốc các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai Kế hoạch số 196/KH-UBND và tuyên truyền, triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Bên cạnh đó, Sở tham mưu, trình UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1040/QĐ-UBND ngày 25-3-2022 về công bố danh mục thủ tục hành chính mới ban hành; thủ tục hành chính thay thế, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực môi trường thuộc thẩm quyền; hướng dẫn UBND cấp huyện, xã phê duyệt, bãi bỏ những quy trình nội bộ trong lĩnh vực môi trường không còn phù hợp với luật mới…

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 10298/STNMT-QLCTR ngày 28-12-2022 báo cáo UBND thành phố Hà Nội về việc rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô.

- Trong quy định mới có nội dung: Chậm nhất ngày 31-12-2024 phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ các hộ gia đình, cá nhân thành 3 loại. Vậy, đến nay, thành phố Hà Nội thực hiện quy định này như thế nào?

- Thành phố xác định quản lý chất thải là vấn đề trọng tâm của công tác bảo vệ môi trường. Trong đó giải pháp 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) được đặt lên hàng đầu. Còn theo quy định tại Điều 75, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Thực hiện quy định chậm nhất ngày 31-12-2024 phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ các hộ gia đình, cá nhân thành 3 loại, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo như Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 20-8-2021 về triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 6-2-2023 về việc thực hiện Điều 79, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; yêu cầu rà soát tổng thể quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để xây dựng hạ tầng đồng bộ phục vụ công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sau phân loại.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2030, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống

- Trong quá trình thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thành phố Hà Nội gặp những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?

- Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được đánh giá có nhiều điểm mới, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, nhưng quá trình triển khai thực hiện còn gặp khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, khi triển khai các dự án có phát sinh thủ tục môi trường, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 hướng dẫn chưa rõ ràng, phạm vi áp dụng chưa cụ thể, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Theo quy định, các dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Như vậy, các dự án được miễn đăng ký môi trường theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng nếu có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, vẫn phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thực tế, có một số công trình sử dụng rất ít đất lúa, như xây dựng nhà văn hóa, trường học, nghĩa trang nhân dân của các xã, nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, gây nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện dự án.

Hơn nữa, một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khoảng cách an toàn đối với khu dân cư của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người...

Ngoài ra, luật mới cũng chưa có hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải sinh hoạt; quy định định mức kinh tế kỹ thuật thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt... Chính vì những vướng mắc này, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa có căn cứ triển khai các điều, khoản của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020...

- Theo ông, để triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp gì?

- Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã chủ động ban hành Văn bản số 988/STNMT-CCBVMT ngày 18-2-2022 gửi các sở, ban, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện luật. Đồng thời, sở xây dựng sổ tay hướng dẫn, tổ chức hội nghị tập huấn; ban hành bộ giải đáp câu hỏi thường gặp liên quan đến quá trình triển khai luật. Trên cơ sở đó, các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu thành phố xây dựng lộ trình giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại để thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đạt hiệu quả cao nhất trong cuộc sống.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thi hành hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.