(HNM) - Một số quận, huyện trên địa bàn Thủ đô đang triển khai thí điểm cửa hàng thực phẩm an toàn tại các khu dân cư. Việc phát triển những cửa hàng này, ngoài mục tiêu đưa thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng còn nhằm hạn chế và tiến tới xóa bỏ các chợ
Lo thiếu nguồn cung
Để đưa thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng, các quận, huyện trên địa bàn thành phố đang tổ chức các điểm bán rau, thịt an toàn có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý. Đơn cử như quận Thanh Xuân - đơn vị đầu tiên triển khai các điểm thực phẩm an toàn tại các khu dân cư với 2 cửa hàng thí điểm được bố trí tại số 2, ngõ 320 đường Khương Đình (phường Hạ Đình) và ngõ 9, đường Hoàng Đạo Thúy (phường Nhân Chính). Theo kế hoạch, quận Thanh Xuân sẽ xây dựng 11 điểm cung cấp thực phẩm sạch. Địa điểm được sử dụng để làm cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch phải bảo đảm thuận tiện về giao thông, có hệ thống thoát nước và các điều kiện về vệ sinh môi trường khác.
Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm tại điểm cung cấp thực phẩm an toàn - Kiốt số 4, B4 Kim Liên (quận Đống Đa). Ảnh: Nghi Dung |
Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Mai Trang cho biết, ngoài việc bố trí cửa hàng nhằm tạo sự thuận tiện cho người dân mua, bán, quận đã lựa chọn công ty có tư cách pháp nhân, có uy tín về cung cấp thực phẩm an toàn trên thị trường hiện nay. Công ty này được cơ quan quản lý chấp thuận, cấp phép hoạt động và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc thực phẩm. Những đơn vị đăng ký đầu tư kinh doanh thực phẩm sạch được miễn tiền thuê địa điểm kinh doanh trong năm đầu; từ năm thứ hai, quận sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để có mức hỗ trợ phù hợp. Quận Thanh Xuân cũng có kế hoạch thanh tra, kiểm tra thường xuyên để những cửa hàng này là điểm cung cấp nông sản, thực phẩm thật sự an toàn và phù hợp với điều kiện kinh tế, thu nhập của người tiêu dùng.
Tương tự, quận Đống Đa cũng triển khai 2 cửa hàng thực phẩm sạch tại ki ốt B4 Khu tập thể Kim Liên (phường Kim Liên) và tại số 1N phố Trần Quang Diệu (phường Ô Chợ Dừa). Tại các cửa hàng đều có treo biển lớn màu xanh lá cây với dòng chữ đỏ: “UBND quận Đống Đa - Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm - Điểm cung cấp thực phẩm an toàn”. Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Song Hào chia sẻ: UBND quận đang tính đến phương án đưa thực phẩm sạch vào phục vụ đại trà, thông qua các địa điểm cung cấp thực phẩm an toàn. UBND quận sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các hợp tác xã mở địa điểm cung ứng thực phẩm sạch cho bà con, đồng thời thu hút các cơ sở sản xuất, cung ứng nông sản, thực phẩm sạch đầu tư kinh doanh lâu dài tại địa bàn.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, ngoài mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm, việc phát triển hệ thống cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch còn nhằm hạn chế và tiến tới xóa bỏ các chợ "cóc", chợ tạm. Hà Nội sẵn sàng mở các điểm bán thực phẩm an toàn, hình thành các địa chỉ đáng tin cậy để người dân lựa chọn, sử dụng sản phẩm chất lượng phù hợp bữa ăn, bảo đảm sức khỏe cho gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, khó khăn nằm ở chỗ các điểm bán hàng mở ra nhưng không đủ nguồn rau sạch để cung cấp.
Đẩy mạnh liên kết “bốn nhà”
Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, mỗi năm, thị trường Hà Nội tiêu thụ một lượng thực phẩm rất lớn. Trong đó, các hộ sản xuất trên địa bàn chỉ cung cấp lượng thực phẩm đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, số còn lại phải nhập từ các địa phương khác hoặc nhập khẩu từ nước ngoài. Diện tích trồng rau an toàn hiện mới đạt mức 5.100ha (trong tổng số 12.000ha trồng rau). Với 72 cơ sở sơ chế, công suất sơ chế mỗi ngày hiện mới đạt gần 8 tấn, trong khi nhu cầu về rau, củ, quả mỗi ngày của thành phố vào khoảng 2.500 tấn. Về thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn mới có 3 cơ sở giết mổ công nghiệp và 17 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bán công nghiệp, còn lại đều là giết mổ thủ công.
Ngoài nỗi lo thiếu nguồn cung ứng thực phẩm sạch, ông Hoàng Đức Hạnh còn cho rằng, trong việc cung cấp chuỗi thực phẩm an toàn, sự tham gia, phối hợp giữa các doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ. Trong một số chuỗi sản phẩm, doanh nghiệp chỉ tham gia ở khâu cung ứng đầu vào, thiếu đơn vị đứng ra bao tiêu, chế biến, bảo quản và vận chuyển. Chính vì thế, sản phẩm mà nông dân làm ra, dù bảo đảm an toàn nhưng do khâu vận chuyển, tiêu thụ chưa được thực hiện đúng cách nên sản phẩm bị giảm chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.
Còn nhiều lý do khác khiến việc hình thành hệ thống cơ sở cung cấp thực phẩm an toàn trở thành bài toán khó đối với cơ quan quản lý và các doanh nghiệp. Chẳng hạn, theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, hơn 80% người tiêu dùng Thủ đô vẫn chọn mua thực phẩm tại các chợ truyền thống, chợ "cóc", hàng rong... dù biết rằng rất khó để kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa tại các điểm phân phối này.
Do đó, để bảo đảm cung cấp thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng thông qua hệ thống cung cấp thực phẩm sạch, giải pháp cần có là đẩy mạnh mối liên kết “bốn nhà” (gồm nhà nông, nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp) một cách thường xuyên, rộng khắp để từ khâu sản xuất tới khâu phân phối đều được kiểm định, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm một cách chặt chẽ. Mặt khác, cần xử lý nghiêm minh, công khai và thích đáng đối với những hành vi vi phạm; nâng cao nhận thức của người dân, cả người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về ảnh hưởng của thực phẩm bẩn đối với sức khỏe. Có như vậy thì mô hình điểm bán thực phẩm sạch mới có thể phát triển mạnh mẽ, mang lại kết quả như mong muốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.