Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới công bố cuối năm 2023, trong giai đoạn 2011-2020, tỷ lệ nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông đường bộ tại Việt Nam giảm tới 43,5%.
Với mức giảm từ tỷ lệ 24,5 người tử vong/100.000 dân xuống còn 17,7 người tử vong/100.000 dân, Việt Nam nằm trong nhóm 45 quốc gia có tỷ lệ nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông đường bộ giảm trên 30% trong giai đoạn kể trên.
Phải khẳng định rằng đây là một thông tin hết sức tích cực, cho thấy những chính sách và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã thực sự phát huy hiệu quả, đem lại những chuyển biến tích cực cho người dân và xã hội.
Khách quan đánh giá thì vậy, nhưng những gì diễn ra trên thực tế khiến chúng ta không thể thỏa mãn mà quên đi những vấn đề và nhiệm vụ còn khá nặng nề. Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, cả nước xảy ra 14.059 vụ tai nạn giao thông, trung bình mỗi ngày 38 vụ, khiến 20 người chết, 29 người bị thương. So với năm 2022, cả số vụ, số người chết và bị thương đều tăng. Đây là điều đáng buồn bởi rõ ràng trong năm qua các lực lượng chức năng đã không ngừng nỗ lực, nhất là trong việc thực hiện kiểm soát nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, một chủ trương được dư luận xã hội hết sức ủng hộ.
Đáng lo ngại nhất là ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của không ít người dân còn hạn chế, đặc biệt là tình trạng chống đối lực lượng chức năng thi hành công vụ đôi lúc vẫn diễn ra. Điển hình như vụ việc mới đây tại thành phố Bắc Giang vào tối 31-12-2023.
Theo cơ quan chức năng, đối tượng Nguyễn Thanh Tâm trên đường điều khiển ô tô mang biển số 29K - 055.41 từ nhà bố vợ ở huyện Yên Dũng về nhà bố đẻ ở huyện Tân Yên (cùng tỉnh Bắc Giang), khi đến đường Hoàng Hoa Thám ở thành phố Bắc Giang thì bị tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố Bắc Giang ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Thay vì chấp hành, đối tượng này đã điều khiển xe quay đầu bỏ chạy và đâm vào mô tô của tổ công tác. Khi bị chặn lại, tài xế đã “cố thủ” trên xe khiến lực lượng chức năng phải phá cửa kính, khống chế đối tượng để kiểm tra nồng độ cồn, kết quả cho thấy mức vi phạm 0,595mg/lít khí thở.
Những hình ảnh về vụ việc này sau đó đã lan truyền trên mạng xã hội, gây bức xúc dư luận. Cơ quan điều tra Công an thành phố Bắc Giang đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với người này về hành vi chống người thi hành công vụ.
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán và bước vào mùa lễ hội xuân Giáp Thìn. Đã thành thông lệ, đây là thời điểm thường diễn ra những buổi liên hoan, gặp gỡ tất niên hay tiệc tùng đầu xuân, và tất nhiên với nhiều người không thể thiếu chén rượu, cốc bia để không khí thêm phần vui vẻ. Sẽ không có vấn đề gì nếu mọi người ai cũng tuân thủ quy định “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”, tuy nhiên, dù đã có nhiều "gương tày liếp" với mức phạt rất nặng, nhưng khi đã có “ma men" trong mình thì không ít người vẫn coi thường luật pháp và vẫn điều khiển phương tiện giao thông, gây ra nguy cơ mất an toàn cho bản thân và xã hội. Bởi thế mà năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Tết là công điện của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông lại đặc biệt nhấn mạnh quy định “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”.
Đã là vi phạm tất nhiên sẽ bị xử lý nghiêm. Và thật chẳng vui vẻ gì khi Tết đến, xuân về lại bị cơ quan chức năng xử phạt. Bởi vậy, để niềm vui năm mới được trọn vẹn, mỗi công dân phải tự ý thức về hành động của mình và chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... cần tăng cường quán triệt, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật để tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.