Góc nhìn

Tạo đột phá phát triển kinh tế số

Đình Hiệp 22/11/2024 - 06:01

Kinh tế số đã và đang thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tương lai. Với tỷ lệ người dùng internet ngày càng tăng (khoảng 70% dân số), Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm và dịch vụ kinh tế số.

Không thể phủ nhận vai trò của kinh tế số trong thúc đẩy sự phát triển của chính phủ điện tử, trong đó có các dịch vụ công cung cấp thông qua các nền tảng trực tuyến. Điều này giúp cải thiện sự tiện lợi và hiệu quả các dịch vụ công, giảm thiểu thủ tục giấy tờ cho người dân và doanh nghiệp, tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm của chính quyền.

Vì thế, thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách và biện pháp hỗ trợ để khuyến khích phát triển kinh tế số…

Thế nhưng, một trong những vấn đề chính trong phát triển kinh tế số ở Việt Nam là hạ tầng kỹ thuật chưa đủ mạnh mẽ để hỗ trợ việc triển khai công nghệ thông tin và viễn thông.

Để phát triển kinh tế số cần có đội ngũ nhân lực có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng trong lĩnh vực này vẫn còn. Việc đào tạo và thu hút nhân tài với kiến thức chuyên môn cao và khả năng sáng tạo vẫn là một thách thức lớn.

Trước yêu cầu cấp thiết trên, ngày 20-11-2024, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025.

Với 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Kế hoạch xác định không gian tăng trưởng chủ yếu của kinh tế số Việt Nam là phát triển kinh tế số theo ngành, lĩnh vực.

Để tạo đột phá trong phát triển kinh tế số như kỳ vọng, chúng ta cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp từ hoàn thiện thể chế, chính sách, hạ tầng số đến phát triển kinh tế số cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số.

Trước hết cần điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư và kinh doanh trong môi trường kinh tế số. Cụ thể, nâng cao hiệu quả các gói chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách về vốn và nhân lực.

Đồng thời, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành công nghiệp nền tảng để thúc đẩy kinh tế số; tăng cường hoạt động thu hút đầu tư vào nghiên cứu, phát triển công nghệ thông tin, số hóa.

Cùng với đầu tư phát triển hạ tầng số, cần chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, trong đó, khuyến khích và tăng cường hỗ trợ việc hợp tác đào tạo giữa các nhà trường, viện nghiên cứu và tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để đào tạo nhân lực về chuyển đổi số.

Những giải pháp trên kết hợp sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức và sự chủ động của mỗi người dân, doanh nghiệp sẽ giúp thúc đẩy kinh tế số của Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo đột phá phát triển kinh tế số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.