Giao thông

Hà Nội đặt mục tiêu kiềm chế, kéo giảm 5% tai nạn giao thông trong năm 2024

Đình Hiệp 18/12/2023 - 13:00

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến vừa ký ban hành Kế hoạch số 201-KH/TU ngày 15-12-2023 về việc thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TƯ ngày 25-5-2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.

Đáng lưu ý, Kế hoạch đề ra chỉ tiêu phấn đấu kiềm chế, kéo giảm 5% tai nạn giao thông so với năm trước đó; hạn chế ùn tắc giao thông.

giao-thong.jpg
Hà Nội đặt mục tiêu kiềm chế, kéo giảm từ 5% tai nạn giao thông so với năm liền kề trước.

Kế hoạch đề ra mục tiêu phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phấn đấu đưa Thủ đô Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, góp phần bảo đảm an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Thành phố phấn đấu tiếp tục giảm tai nạn giao thông, hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông, lập lại trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Cùng với đó là hoàn thiện thể chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về giao thông thống nhất, thông suốt, hiệu quả; nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Kế hoạch yêu cầu phát huy tính gương mẫu, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật song song với việc kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm hành chính; kiên trì xây dựng văn hoá chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông. Thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện, quán triệt cán bộ, đảng viên không vi phạm các quy định khi tham gia giao thông và không can thiệp vào công tác xử lý vi phạm của lực lượng thực thi pháp luật.

Mặt khác, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, bảo đảm phù hợp với quy mô, định hướng phát triển kinh tế, xã hội của thành phố; ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, thúc đẩy chuyển đối số mạnh mẽ trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Kế hoạch đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TƯ. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Đặc biệt là siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông. Kịp thời khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ theo đúng quy định pháp luật.

Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải gương mẫu và tích cực vận động người thân, gia đình và nhân dân thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng.

Tổ chức rà soát đánh giá, điều chỉnh tổng thể đồ án Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo tính tổng thể, toàn diện, nâng cao trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đặt mục tiêu kiềm chế, kéo giảm 5% tai nạn giao thông trong năm 2024

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.