Góc nhìn

Động lực để nhà giáo an tâm cống hiến

Đình Hiệp 17/11/2024 - 06:36

Những ngày này, nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa tri ân các thầy, cô giáo - “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định.

Ở một góc độ khác, dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ tám đang thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước, đặc biệt là đội ngũ giáo viên. Vì thế, dự án Luật Nhà giáo được Quốc hội thảo luận tại tổ ngày 9-11 và dự kiến sẽ tiếp tục được thảo luận tại hội trường vào đúng ngày 20-11 để người đứng đầu ngành Giáo dục tiếp thu, giải trình thấu đáo các nội dung mà đại biểu quan tâm.

Thực tiễn cho thấy, còn một số bất cập, hạn chế trong công tác quy hoạch phát triển đội ngũ, tuyển chọn, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, xếp loại, thực hiện chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên hiện còn thiếu so với định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; cơ cấu giáo viên chưa hợp lý, còn tình trạng thừa thiếu cục bộ ở một số bộ môn các cấp học do thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cùng với đó, một số chế độ, chính sách đối với giáo viên thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời, thiếu thống nhất như chế độ trả tiền dạy thừa giờ, tiền chấm bài thừa... cho giáo viên; vấn đề dạy thêm gây nhiều tranh cãi thời gian qua. Việc tổ chức thi thăng hạng cho giáo viên ở một số huyện chưa kịp thời, ảnh hưởng đến quyền lợi của các thầy, cô giáo.

Từ yêu cầu cấp thiết trên, dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng gồm 9 chương, 50 điều với nhiều điểm mới nổi bật, như: Lần đầu tiên xác lập các quy định đối với nhà giáo ngoài công lập; nhà giáo được chuẩn hóa qua hệ thống chức danh, nghề nghiệp; chính sách tuyển dụng, sử dụng gắn với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp; chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo; chính sách tiền lương và đãi ngộ; tăng giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục...

Dự thảo Luật Nhà giáo bước đầu đã tạo được không khí phấn khởi cho hơn 1,6 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; nhận được sự đồng thuận ủng hộ của đông đảo cha mẹ học sinh và nhân dân với kỳ vọng sẽ là cơ sở để nâng cao vị trí, vai trò của nhà giáo, tạo động lực để họ yên tâm công tác, có nhiều đóng góp và cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Với tầm quan trọng và phạm vi ảnh hưởng đối với cả xã hội, cơ quan soạn thảo cần tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội cũng như kiến nghị của các chuyên gia, nhà khoa học để dự thảo luật được hoàn thiện. Đặc biệt là khắc phục được những tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn, nhất là tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên, thu hút được nhân tài; đồng thời, bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với các quy định của hệ thống pháp luật và có tính khả thi.

Việc xây dựng dự án Luật Nhà giáo vì chất lượng hệ thống giáo dục phụ thuộc phần lớn vào chất lượng đội ngũ nhà giáo. Nói cách khác, nhà giáo chính là "chìa khóa" cho sự bền vững và năng lực quốc gia thông qua việc đạt được các chuẩn đầu ra của giáo dục và kiến tạo các giá trị xã hội dựa trên kiến thức, giá trị và đạo đức. Việc ban hành một đạo luật riêng điều chỉnh với nhà giáo sẽ góp phần xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng; tôn vinh nhà giáo, tạo điều kiện và động lực để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.

Như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, việc xây dựng Luật Nhà giáo phải tiếp cận một cách thận trọng, nhất quán, bảo đảm có đột phá về chính sách, nhưng không phá vỡ cấu trúc của hệ thống pháp luật hiện hành.

Vì thế, dự án luật cần gọn, rõ, trọng tâm, trọng điểm, không trùng với các luật khác, đưa ra quy định chung cho nhà giáo trên toàn quốc chứ không phải của ngành Giáo dục. Đồng thời, dự án luật phải bảo đảm vừa có chính sách đặc thù và đủ mạnh, vừa có sự liên thông với các luật liên quan, qua đó giúp đội ngũ nhà giáo thuận lợi trong công tác và an tâm cống hiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Động lực để nhà giáo an tâm cống hiến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.