(HNM) - Cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại khu nghỉ dưỡng Sochi nổi tiếng của Nga ngày 2-5 được cho là một nỗ lực đối thoại giữa Berlin và Mátxcơva, trong bối cảnh quan hệ giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Nga đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.
Tổng thống Nga V.Putin và Thủ tướng Đức A.Merkel trong cuộc gặp tại Sochi, Nga. |
Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, hai nhà lãnh đạo Nga và Đức thường xuyên gặp gỡ để bàn thảo các vấn đề song phương và quốc tế. Do đó, tại cuộc hội đàm lần này, Tổng thống V.Putin và Thủ tướng A.Merkel đã có những thảo luận chi tiết về tình trạng hiện nay cũng như viễn cảnh của mối quan hệ song phương sau 2 năm "băng giá" vì cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Cụ thể, hai bên tập trung bàn về mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, thương mại, kinh tế, văn hóa và nhân đạo cũng như những vấn đề nóng như cuộc khủng hoảng miền Đông Ukraine, cuộc nội chiến Syria, bất ổn Libya, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và nhiều vấn đề khác trong khu vực.
Chương trình nghị sự của bà A.Merkel và ông V.Putin còn bao gồm cả sự chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ diễn ra tại Hamburg, Đức vào tháng 7 tới mà Đức là nước chủ nhà. G20 hiện là “sân chơi” duy nhất để Nga gặp gỡ các cường quốc khác sau khi nước này bị đưa khỏi khuôn khổ nhóm G8, hiện chỉ còn là G7.
Nước Đức quan tâm đến việc ông chủ Điện Kremlin sẽ đem đến hội nghị những gì, bởi đối với Đức đây là sự kiện có tầm quan trọng và cũng tại đây có thể sẽ diễn ra cuộc gặp lần đầu tiên giữa Tổng thống V.Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nga và Đức từ lâu đã được xem là hai người bạn thân thiết hàng đầu ở Châu Âu. Quan hệ giữa hai nước không chỉ dựa trên tình cảm gắn bó về lịch sử, địa lý mà còn bắt nguồn lợi ích kinh tế to lớn. Hai nước là những đối tác kinh tế, đầu tư và thương mại hàng đầu của nhau. Không những vậy, Đức luôn được xem là “cầu nối” giữa Nga với EU. Trong mối quan hệ thường xuyên căng thẳng giữa Nga và phương Tây lâu nay, Đức đã nhiều lần được lịch sử lựa chọn là “giải pháp” tháo gỡ những căng thẳng giữa hai bên.
Tuy nhiên, khi xuất hiện những bất đồng về Ukraine thì sự rạn nứt trong quan hệ Nga - Đức đã đến mức trầm trọng. Đức ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt của EU chống lại Nga kể từ sau khi bán đảo Crimea sáp nhập trở lại vào Nga năm 2014 và Mátxcơva được cho là có liên quan đến cuộc nội chiến tại quốc gia láng giềng Ukraine. Về phần mình, Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc và đáp trả bằng một lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ Châu Âu.
Do đó, dư luận hai nước kỳ vọng chuyến thăm Nga lần này của Thủ tướng A.Merkel sẽ tạo được cú hích cải thiện quan hệ song phương. Điều này rất quan trọng khi chính sách đối ngoại và kinh tế của Tổng thống V.Putin luôn coi Đức là một đối tác lớn. Nga cũng luôn là một phần không thể thiếu trong các chính sách thương mại, dịch vụ của Đức.
Cụ thể, Nga tạo ra thị trường lao động cho khoảng 300.000 người Đức, 14% sản phẩm mà người Nga nhập khẩu được sản xuất tại nước này. Đức đồng thời là một trong những “con nghiện dầu khí” của Nga với 1/3 lượng dầu và khí đốt nhập khẩu của Đức là từ xứ Bạch dương.
Dù khó có thể kỳ vọng ngay rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt với Nga sẽ sớm được dỡ bỏ, nhưng chuyến thăm của bà A.Merkel gửi bức thông điệp về việc Đức - quốc gia đầu tàu của EU đang sẵn sàng đối thoại với Nga.
Tín hiệu này được cho là tin vui đối với Châu Âu khi các biện pháp cấm vận kinh tế Nga đã gây không ít khó khăn cho chiến lược phát triển kinh tế ở khu vực các nước thuộc EU. Không ít nhà phân tích tin rằng, thời kỳ băng giá trong quan hệ Nga - Đức sắp kết thúc, bởi cả hai bên đều phát đi tín hiệu cho thấy sự sẵn sàng quay lại con đường hợp tác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.