Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển biến trong tổ chức, quản lý lễ hội xuân

Việt Tuấn| 26/02/2019 07:19

(HNM) - Công tác quản lý và tổ chức các lễ hội xuân 2019 trên địa bàn TP Hà Nội đã có nhiều chuyển biến so với trước, đa số lễ hội được tổ chức ngắn gọn, trang trọng, tiết kiệm. Dù vậy, một số nơi vẫn còn để xảy ra tình trạng bán hàng, đỗ xe tùy tiện, hoạt động vui chơi mang tính chất cờ bạc trá hình…

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội khảo sát công tác tổ chức và quản lý lễ hội tại thị xã Sơn Tây.


Thường xuyên kiểm tra

TP Hà Nội có hơn 1.200 lễ hội với quy mô lớn, nhỏ khác nhau, diễn ra tập trung vào mùa xuân. Trong đó, nhiều lễ hội quy mô cấp vùng như: Lễ hội gò Đống Đa, lễ hội Gióng, lễ hội đền Cổ Loa, lễ hội đền Hai Bà Trưng, lễ hội chùa Hương…

Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Quang Thắng cho biết, năm 2019, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố có chuyển biến tích cực. UBND các quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội sớm, tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về lễ hội, di tích lịch sử; đồng thời chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kịch bản cho chương trình lễ hội bảo đảm đúng hướng dẫn của ngành Văn hóa.

Vì vậy, qua khảo sát, các lễ hội xuân 2019 đều diễn ra vui tươi, lành mạnh, đúng quy định. Đáng chú ý, nhiều nội dung đậm chất dân gian được đưa vào lễ hội như hát quan họ, đấu vật, múa sư tử, thi kéo co… Các dịch vụ ăn, nghỉ cho khách hành hương đã được cải tiến, nâng cao chất lượng, an ninh được bảo đảm. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra được UBND các quận, huyện, thị xã duy trì thường xuyên, qua đó đã phát hiện, ngăn chặn hiệu quả tình trạng chen lấn, xô đẩy trong lễ hội, không để xảy ra tranh cướp lộc gây phản cảm.

Khảo sát thực tế tại Khu di tích chùa Mía, đền Và (thị xã Sơn Tây) và đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ) cho thấy rõ sự chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức, quản lý lễ hội của UBND thị xã Sơn Tây và UBND huyện Phúc Thọ. Năm 2019, thị xã Sơn Tây có 65 lễ hội truyền thống (32 lễ hội diễn ra vào tháng Giêng); huyện Phúc Thọ có 67 lễ hội truyền thống (15 lễ hội diễn ra vào tháng Giêng), đến nay, công tác chuẩn bị và việc triển khai các lễ hội đều được các xã, phường, thị trấn của hai địa phương thực hiện tốt, nhất là công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

Tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức người dân

Bên cạnh những kết quả tích cực, qua đợt khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố cũng cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội xuân 2019. Đại biểu Phạm Thị Thanh Hương (Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố) nhận định, dù có chuyển biến hơn so với năm 2018, nhưng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nội quy, quy chế lễ hội, giữ gìn tôn nghiêm nơi thờ tự ở một số cơ sở còn chưa thường xuyên. Tình trạng người dân ăn mặc tùy tiện, phản cảm khi đi lễ hội, đặt tiền lễ không đúng nơi quy định vẫn còn. Bên cạnh đó, quy hoạch khu vực bán hàng, nơi đỗ xe, khu vệ sinh tại nhiều di tích chưa khoa học.

Cụ thể, tại khu vực chùa Mía (thị xã Sơn Tây), tình trạng hàng quán bán ngay trong khuôn viên chùa gây mất trật tự, khó khăn cho công tác quản lý. Tại đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ), diện tích, không gian quá nhỏ, lại chưa có bãi đỗ xe, hệ thống giao thông chật hẹp, hạ tầng chưa được đầu tư, dự kiến gây nhiều khó khăn cho công tác tổ chức lễ hội tới đây. Tại đền Sóc (huyện Sóc Sơn), hoạt động vui chơi có thưởng, bán hàng sử dụng loa đài quảng cáo gây ồn ào nơi khu vực cổng đền…

Để tăng cường quản lý các lễ hội, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố đã đề nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự, các điểm lễ hội; tăng cường kiểm tra việc thực hiện pháp luật về di sản văn hóa, quản lý và tổ chức lễ hội. “Đội ngũ cán bộ quản lý về lễ hội còn yếu về nghiệp vụ, vì thế, UBND thành phố cần chỉ đạo các địa phương tổ chức tập huấn chuyên môn công tác quản lý và tổ chức lễ hội cho cán bộ xã, phường, thị trấn. Có như vậy mới nâng cao năng lực quản lý, tổ chức, điều hành của ban quản lý di tích, ban quản lý lễ hội của các địa phương”, đại biểu Phạm Thị Thanh Hương đề xuất.

Các thành viên đoàn khảo sát đều cho rằng, UBND các quận, huyện, thị xã phải xác định hoạt động thanh tra, kiểm tra là biện pháp quan trọng và xử lý nghiêm hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc trá hình, thương mại hóa tại các lễ hội. Các địa phương cũng cần bố trí hàng quán, nơi đỗ xe hợp lý, tránh việc lấn át, gây lộn xộn, mất trật tự ảnh hưởng đến không gian lễ hội.

“Mục tiêu cao nhất là mùa lễ hội xuân 2019 diễn ra trong không khí vui tươi, an toàn, phát huy tốt các giá trị của di tích trên địa bàn, vì vậy, các địa phương cần tăng cường quản lý nhà nước, bảo vệ cảnh quan, môi trường, bảo vệ di tích, bảo đảm an ninh trật tự, tạo thuận lợi cho du khách thập phương về trẩy hội”, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Quang Thắng kiến nghị. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyển biến trong tổ chức, quản lý lễ hội xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.