(HNMO) - Sáng 3-2, các ban HĐND thành phố Hà Nội đã khảo sát công tác quản lý lễ hội trên địa bàn huyện Đông Anh.
Huyện Đông Anh có tổng cộng 98 lễ hội truyền thống diễn ra từ tháng Giêng đến hết tháng 11 âm lịch, trong đó tháng Giêng có 51 lễ hội.
Đến ngày 2-2, trên địa bàn huyện có 19 lễ hội truyền thống của các thôn, làng thuộc các xã: Cổ Loa, Uy Nỗ, Xuân Canh, Vĩnh Ngọc, Nguyên Khê, Liên Hà, Vân Hà, Võng La, Kim Chung... được tổ chức bảo đảm trang trọng, an toàn, văn minh, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và du khách.
Đối với lễ hội đền Sái và lễ hội Cổ Loa, UBND xã Thụy Lâm và xã Cổ Loa đã thành lập Ban tổ chức lễ hội. Các phương án đảm bảo an ninh, trông giữ xe, quản lý thị trường, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; kế hoạch thông tin tuyên truyền, trang trí khánh tiết, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; thành lập các tiểu ban phục vụ lễ hội như: Tế lễ, rước vua, chúa, quan; quản lý công đức, bảo vệ cổ vật và tuyên truyền. Đặc biệt, UBND huyện Đông Anh đã tổ chức thành công lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Cổ Loa vào tối mùng 5 tháng Giêng (Quý Mão), được Trung ương, thành phố ghi nhận, đánh giá cao.
Sau khi khảo sát thực tế công tác quản lý lễ hội đền Sái và lễ hội Cổ Loa, Đoàn khảo sát đánh giá cao việc huyện Đông Anh đã quán triệt các văn bản chỉ đạo của trung ương và thành phố về công tác quản lý lễ hội, nên hoạt động tổ chức, quản lý các lễ hội trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, an toàn, chu đáo. Ý thức người dân tham gia lễ hội có chuyển biến; tiến độ triển khai các dự án về văn hóa cũng tích cực.
Đoàn khảo sát đề nghị thời gian tới, huyện Đông Anh rà soát, khắc phục những bất cập về tổ chức lễ hội, để công tác này ngày càng văn minh, bảo đảm vui Xuân, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục nghiên cứu, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý di tích; số hóa các dữ liệu, hồ sơ, di sản, cổ vật để lưu giữ, kiểm soát các hoạt động di tích tốt hơn.
Đặc biệt, trên cơ sở các chương trình công tác của Thành ủy về lĩnh văn hóa, Đoàn khảo sát đề nghị huyện xây dựng các kế hoạch vừa thúc đẩy phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đẩy mạnh các dự án về di tích trên địa bàn. Riêng đối với dự án đền thờ Ngô Quyền, sau khi hoàn thành, huyện cần có kế hoạch khai thác, tạo biểu trưng mới của huyện Đông Anh, khắc sâu hơn giá trị lịch sử văn hóa của địa phương và Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.