Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý lễ hội an toàn, chu đáo

Việt Tuấn| 26/02/2023 06:41

(HNM) - Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di tích gắn với các lễ hội truyền thống. Khảo sát về công tác quản lý lễ hội ở một số địa phương những ngày đầu Xuân Quý Mão 2023, các ban HĐND thành phố Hà Nội ghi nhận đã có nhiều chuyển biến, các lễ hội được tổ chức chu đáo, an toàn.

Đoàn khảo sát của HĐND thành phố Hà Nội khảo sát công tác quản lý di tích tại chùa Mía, xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây).

Công tác tổ chức đã khoa học hơn

Theo thống kê, Hà Nội có hơn 1.000 lễ hội và chủ yếu tập trung vào mùa xuân. Ngoài những lễ hội lớn như chùa Hương, gò Đống Đa, hội Gióng…, trên địa bàn còn có các lễ hội của nhiều địa phương được tổ chức rải rác trong năm với nhiều sắc màu riêng biệt.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, địa bàn huyện có 98 lễ hội truyền thống diễn ra từ tháng Giêng đến hết tháng Mười một âm lịch. Tính đến giữa tháng 2-2023, trên địa bàn có 19 lễ hội truyền thống được tổ chức bảo đảm trang trọng, an toàn, văn minh, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và du khách. Đối với lễ hội đền Sái và lễ hội Cổ Loa, UBND xã Thụy Lâm và xã Cổ Loa đã có phương án bảo đảm an ninh, trông giữ xe, quản lý thị trường, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm... chu đáo.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng thông tin, trên địa bàn có 65 lễ hội truyền thống, tập trung nhiều vào tháng Giêng (30 lễ hội). Từ đầu năm 2023 đến nay, các lễ hội được tổ chức an toàn, bảo đảm yếu tố trang nghiêm, đúng nghi lễ truyền thống và theo đúng quy chế lễ hội. Các nghi thức diễn ra tại các lễ hội bảo đảm trang trọng, nghiêm túc, có ý nghĩa giáo dục, tiết kiệm. Phần hội được tổ chức vui tươi, lành mạnh, phong phú với các chương trình, trò chơi đậm nét truyền thống. Đặc biệt, từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến nay, tại một số điểm di tích lớn trên địa bàn thị xã, nhân dân và du khách thập phương đến tham quan, hành lễ đầu xuân tăng hơn nhiều so với những năm trước, nhưng mọi hoạt động đều bảo đảm an toàn, trang nghiêm, vui tươi.

Bà Hoàng Thị Thúy An (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng) nhận xét, qua nhiều năm tham gia lễ hội Đền Và (thị xã Sơn Tây), người dân cảm nhận được sự đổi khác ngày càng tốt hơn. Tại các khu vực có lễ hội, hàng quán được sắp xếp gọn gàng, bảo đảm cảnh quan di tích; công tác vệ sinh môi trường, bố trí trông giữ xe đều bảo đảm.

Phát huy giá trị di tích gắn với phát triển kinh tế - xã hội

Sau khi khảo sát một số lễ hội ở các địa phương, các ban HĐND thành phố Hà Nội nhận định, công tác quản lý lễ hội đã có nhiều chuyển biến so với những năm trước. Các quận, huyện, thị xã đã quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố nên hoạt động tổ chức, quản lý lễ hội an toàn, chu đáo; ý thức người dân tham gia lễ hội thay đổi theo chiều hướng tích cực. Kinh nghiệm được các địa phương áp dụng chính là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung, quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; hướng đến tập trung tuyên truyền về giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của các lễ hội.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình cho biết, điểm nhấn ở các lễ hội chính là công tác bảo đảm văn minh, trật tự và vệ sinh môi trường được thực hiện quyết liệt, hiệu quả; tạo không gian xanh, sạch, đẹp, được đông đảo người dân và du khách ghi nhận, đánh giá cao. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn khách tham quan, hành lễ được chú trọng, nên việc không đặt tiền lễ, công đức lên ban thờ hoặc gài tiền vào tượng Phật đã giảm; việc sử dụng, đổi tiền lẻ đã hạn chế hơn. Đáng lưu ý, công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy ở các lễ hội được quan tâm. Hầu hết di tích đã trang bị thêm thiết bị phòng, chống cháy, nổ; nhiều di tích chỉ sử dụng hương vòng tại ban thờ để bảo đảm an toàn.

Đặc biệt, thị xã Sơn Tây có số lượng di tích đứng đầu thành phố, với 400 di tích và 65 lễ hội truyền thống, nhưng qua khảo sát, các ban HĐND thành phố đánh giá cao việc UBND thị xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, chỉ đạo quyết liệt, qua đó tạo sự chuyển biến rõ nét trong hoạt động lễ hội, nhất là việc phát huy giá trị di tích lịch sử.

Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, song các ban HĐND thành phố Hà Nội cũng cho rằng, công tác tuyên truyền, quảng bá về di tích và lễ hội ở một số xã, phường, thị trấn chưa phong phú. Một vài nơi vẫn có hiện tượng bày, bán hàng chưa đúng nơi quy định, ảnh hưởng đến mỹ quan. Vì thế, thời gian tới, các quận, huyện, thị xã cần rà soát, khắc phục những hạn chế trên, để việc tổ chức lễ hội ngày càng văn minh, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, cần có biện pháp xử lý triệt để đối với việc bày bán hàng sai quy định ở các di tích. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý di tích; số hóa các dữ liệu, hồ sơ, di sản, cổ vật để lưu giữ, kiểm soát các hoạt động di tích tốt hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý lễ hội an toàn, chu đáo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.