Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung trách nhiệm ngăn chặn bạo lực học đường

Thống Nhất| 05/04/2021 06:37

(HNM) - Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ việc học sinh đánh nhau ở một số địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội, khiến dư luận bức xúc, phụ huynh học sinh lo lắng. Vấn đề quản lý, giáo dục học sinh trong và ngoài nhà trường một lần nữa lại được xới xáo. Nỗ lực chung sức, tăng trách nhiệm chính là giải pháp căn cơ để ngăn chặn bạo lực học đường.

Giáo viên Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (quận Tây Hồ) trò chuyện với học sinh chủ đề ngăn chặn bạo lực học đường.

Tình trạng học sinh đánh nhau tăng

Từ tháng 3 trở lại đây, các cấp học đều chứng kiến tình trạng gia tăng của các vụ việc học sinh đánh nhau xảy ra ở một số địa phương. Điển hình, tại Hà Nội, ngày 1-4 vừa qua, đã xảy ra vụ việc nghiêm trọng, khi một học sinh lớp 8 của Trường Trung học cơ sở Hồng Hà (huyện Đan Phượng) bị học sinh cùng trường đâm tử vong. Trước đó, vào tháng 3, trên địa bàn Hà Nội cũng xảy ra nhiều sự việc học sinh ẩu đả, như nhóm học sinh nữ lớp 8 ở huyện Phúc Thọ đánh nhau; một nữ sinh lớp 10 ở huyện Mỹ Đức bị bạn lột áo, kéo lê trên đường… Hay tại tỉnh Thanh Hóa, hồi tháng 1, xảy ra việc một học sinh nam đánh bạn tại cổng trường, khiến bạn bị vỡ xương sọ não, thương tật 49%. Tháng 3 vừa qua, hai học sinh nữ của một trường trung học phổ thông ở thành phố Hồ Chí Minh cũng đánh nhau trong lớp… Nguyên nhân của các vụ đánh nhau kể trên đều bắt nguồn từ những va chạm, mâu thuẫn khi giao tiếp trong lớp, ở trường hoặc qua mạng xã hội.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Bùi Văn Linh, ngành Giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức. Đa phần các học sinh đều có ý thức tốt, chấp hành nghiêm túc các quy định của nhà trường và pháp luật, song vẫn còn một số học sinh có hành vi chưa đúng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song chủ yếu do một số cơ quan quản lý giáo dục địa phương, nhà trường chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định trong quản lý, giáo dục học sinh; công tác giáo dục đạo đức cho học sinh chưa được quan tâm...

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, nguyên nhân chính là do lứa tuổi học sinh có nhiều biến động về tâm sinh lý, suy nghĩ chưa chín chắn, trong khi việc giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống ở một số nhà trường, giữa các cấp học chưa được triển khai một cách hệ thống và đầy đủ.

Ở góc độ phụ huynh, bà Trần Thị Lan, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) cho rằng, xảy ra tình trạng bạo lực học đường có trách nhiệm của gia đình khi chủ quan, buông lỏng trong quản lý con em mình.

Cán bộ công an phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho học sinh Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (quận Hà Đông). Ảnh: Linh Nhi

Chung sức với tinh thần trách nhiệm cao

Tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, chung sức với tinh thần trách nhiệm cao để khắc phục những tồn tại trong công tác giáo dục đạo đức, kịp thời hóa giải những mâu thuẫn để ngăn chặn hiệu quả tình trạng bạo lực học đường là quyết tâm của các trường học trên địa bàn Thủ đô. 

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa Tạ Ngọc Thắng cho biết, Phòng tăng cường chỉ đạo, giám sát các nhà trường trong việc xây dựng trường học an toàn; coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo theo các tiêu chí nhà giáo mẫu mực của ngành Giáo dục Thủ đô là “phẩm chất tốt, chuyên môn giỏi, phong cách đẹp” để làm gương cho học sinh.

Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Thị Hồng Thúy, bên cạnh sự chủ động phối hợp với gia đình trong công tác quản lý, giáo dục học sinh một cách toàn diện, nhà trường cũng tập trung tổ chức giảng dạy hiệu quả tài liệu chuyên đề “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”, duy trì hiệu quả công tác tư vấn học đường…

Về vấn đề này, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A6, Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) Vũ Bích Phương chia sẻ: “Với lứa tuổi học sinh có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, môi trường tương tác của học sinh chủ yếu là ở trường, trong khi một số phụ huynh không có nhiều thời gian dành cho con nên chúng tôi luôn cố gắng gần gũi, lắng nghe, kịp thời phát hiện các mâu thuẫn phát sinh”. 

Trước thực trạng gia tăng bạo lực học đường, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Sở đã yêu cầu các nhà trường đẩy mạnh công tác phòng, chống tai nạn thương tích, bảo đảm an ninh, an toàn trường học theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Công văn số 781/UBND-KGVX ngày 18-3-2021; thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giữa ngành Giáo dục với lực lượng công an trong việc bảo đảm an ninh, an toàn trường học.

“Tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp với gia đình, có biện pháp quản lý, giáo dục học sinh hiệu quả, quan tâm đến các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt; nắm bắt tâm tư, tình cảm và diễn biến tâm lý của học sinh hằng ngày, nhất là ở trên môi trường mạng internet để kịp thời hóa giải những khúc mắc, va chạm của học sinh là giải pháp được ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục triển khai nhằm ngăn chặn hiệu quả bạo lực học đường”, ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung trách nhiệm ngăn chặn bạo lực học đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.