Lâu nay, nạn bạo lực học đường luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Cho dù ngành Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng, địa phương đã, đang triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, nhưng những vụ bạo lực học đường vẫn cứ xảy ra, khiến phụ huynh, giáo viên và xã hội không khỏi lo lắng.
Mới đây nhất, chiều 6-6-2024, xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, một nữ sinh lớp 6, Trường Trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã bị một nhóm học sinh đang học tại một số trường khác đánh, lột quần áo, ép hút thuốc lá. Trước đó, còn nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra khiến dư luận hết sức lo ngại, như vụ nữ sinh lớp 9 (ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) bị 5 bạn cùng trường đánh, quay video chia sẻ lên mạng xã hội. Hay vụ nam sinh ở Trường Trung học cơ sở Đại Đồng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) bị nhóm bạn hành hung đến mức sang chấn tâm lý, phải nhập viện điều trị…
Theo thống kê, trong những năm gần đây, mỗi năm học cả nước xảy ra hơn 1.500 vụ bạo lực học đường trong và ngoài nhà trường và cứ 5.200 học sinh lại có 1 học sinh đánh nhau.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, trong đó có nguyên nhân chủ quan từ phía nhà trường. Nhiều hiệu trưởng, giáo viên khi phát hiện những tình huống bạo lực học đường vẫn lúng túng về kỹ năng xử lý. Và cũng có nguyên nhân từ gia đình, đó là không ít bậc phụ huynh thường áp dụng cách giáo dục nặng nề, thậm chí sử dụng bạo lực để giáo dục con cái. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do ảnh hưởng của mạng xã hội, phim ảnh…
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới, các địa phương, nhất là các trường học cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17-7-2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; đặc biệt là Chỉ thị số 02/CT-TTg, ngày 26-1-2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên. Theo đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục với việc bảo đảm an toàn trường học do mình phụ trách. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, phổ biến, nhân rộng các mô hình phối hợp hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Đặc biệt, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, gia đình là môi trường quan trọng, giúp hình thành, nuôi dưỡng và bồi đắp tình cảm, giáo dục đạo đức, lối sống nhân cách con người. Trong cuộc sống hằng ngày, cha mẹ phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống, cách ứng xử cho các con noi theo. Đồng thời, cha mẹ cần dành thời gian quan tâm đến con, lắng nghe, kịp thời phân tích, chấn chỉnh suy nghĩ, hành động sai trái liên quan đến bạo lực, tạo ra môi trường sống lành mạnh.
Các nhà trường cũng cần chủ động xây dựng môi trường học đường lành mạnh, chú trọng giáo dục nhân cách cho trẻ, giúp các em biết yêu thương bạn bè, biết chia sẻ trước nỗi đau của người khác. Từ đó, các em không chỉ biết “nói không với bạo lực học đường”, mà còn hiểu trách nhiệm trong phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường.
Tựu trung, cần ngăn ngừa từ sớm, từ xa và can thiệp kịp thời khi xuất hiện hành vi bạo lực học đường sẽ góp phần tích cực xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc, lành mạnh, an toàn, thân thiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.