Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung tay mới có thể giải quyết bạo lực học đường

28/03/2015 08:17

(HNM) - Ngày 24-3, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các lực lượng liên quan.

Việc ban hành Chỉ thị trong bối cảnh xã hội hiện nay, nhất là khi tình trạng bạo lực học đường đang có nhiều dấu hiệu phức tạp, cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức cho thế hệ trẻ. Xung quanh nội dung này, Báo Hànộimới đã nhận được các ý kiến đóng góp của độc giả nhằm cải thiện chất lượng giáo dục đạo đức, lý tưởng cho thế hệ trẻ, góp phần giải quyết tình trạng bạo lực học đường.



Môi trường gia đình ảnh hưởng nhiều nhất đến hành vi của học sinh

Nhiều khảo sát thực tế đã cho thấy, kỷ luật thô bạo của cha mẹ thường đi liền với mức độ hung hăng cao hơn ở thanh niên. Việc bố mẹ cãi nhau, các cô chú nói hỗn với ông bà… đều được trí óc trẻ thơ ghi nhận. Rõ ràng, môi trường gia đình, trong đó tính cách, hành vi của cha mẹ là yếu tố chủ yếu tác động đến hành vi, nhân cách của trẻ từ rất sớm. Để làm chuyển biến nhận thức, hành vi của trẻ ngay từ khi còn nhỏ, mỗi bậc phụ huynh cần ý thức rõ trách nhiệm của mình ngay tại gia đình, trước hết bằng việc gương mẫu trong giao tiếp, ứng xử với những người xung quanh, trong đó có con cái. Cha mẹ không thể dạy con chấp hành đúng Luật Giao thông khi bản thân luôn vượt đèn đỏ; không thể dạy con ngoan ngoãn nếu thường xuyên nói bậy, chửi thề… Ngoài ra, phía gia đình cần thường xuyên liên lạc và phối hợp với nhà trường nhằm định hướng sự phát triển của HS, phát hiện ra những biểu hiện về nhận thức, hành vi có vấn đề để kịp thời can thiệp.
PGS.TS Lê Văn Anh, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam

Dạy học sinh kỹ năng giải quyết xung đột hiệu quả

Một trong những nguyên nhân dẫn đến những hành vi ứng xử bạo lực, không phù hợp của HS là do các em thiếu kỹ năng giải quyết hiệu quả các vấn đề nảy sinh trong học tập và trong cuộc sống. Để hạn chế tình trạng này, người lớn cần làm cho HS không chỉ nhận biết được hậu quả của những hành vi đó đối với bản thân và người khác, mà điều quan trọng là dạy cho các em những kỹ năng giải quyết vấn đề có hiệu quả để giảm hành vi bạo lực. Các em cần có sự hỗ trợ của bạn bè, người thân, đặc biệt là các chuyên gia tâm lý để vượt qua trạng thái tâm lý khó chịu ban đầu, sau sẽ dần hình thành thói quen biết kiềm chế cảm xúc, tìm ra phương án giải quyết tốt nhất. Đã đến lúc, các cơ quan quản lý ban hành những căn cứ pháp lý về mọi mặt để thành lập phòng tư vấn tâm lý trong trường học, không nên để tự phát như hiện nay. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, HS cần có sự trợ giúp kịp thời và thường xuyên để giải quyết những khó khăn trong mối quan hệ với bạn bè, thầy cô và những người xung quanh.
TS Hoàng Gia Trang, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam

Làm rõ trách nhiệm của các lực lượng xã hội

Lâu nay, khi đề cập đến trách nhiệm giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên, chúng ta vẫn thường nói cần có sự chung tay của cả ba nhà: Nhà trường - gia đình - xã hội, thế nhưng, trách nhiệm của từng nhà cụ thể thế nào, khi để xảy ra sự việc nghiêm trọng thì giải quyết ở từng khâu ra sao vẫn là vấn đề bỏ ngỏ. Theo tôi, Nhà nước phải làm rõ trách nhiệm của các lực lượng xã hội trong việc hỗ trợ các điều kiện để nhà trường làm tốt công tác giáo dục. Trong đó có thể cần bổ sung vào "Luật Gia đình" về trách nhiệm của cha mẹ với con cái, khi cha mẹ có hành vi bạo lực với con cái thì cha mẹ phải chịu trách nhiệm dân sự thế nào? Hoặc "Luật Bảo vệ trẻ em" cũng cần nêu rõ nếu trẻ vi phạm pháp luật thì phải chịu hình phạt ra sao để không tái phạm? Còn một điều nữa cũng cần phải quan tâm giải quyết là hiện nay chúng ta còn thiếu một không khí sinh hoạt văn hóa nơi cộng đồng, rất ít phường, xã có điểm vui chơi công cộng.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay mới có thể giải quyết bạo lực học đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.