Góc nhìn

Chúng ta đã chậm

Bình Yên 18/11/2023 - 06:28

Tuần vừa qua lại xuất hiện thông tin về bạo lực học đường. Sau khi thông tin được phát tán trên mạng, hiệu trưởng một trường THCS tại Hà Nội xác nhận sự việc.

Theo đó, một nữ sinh lớp 6 của trường đã bị một nhóm học sinh hành hung ngay ở hành lang lớp học khi ngày học đã kết thúc. Sự việc đau lòng không chỉ bởi hành vi bạo lực đáng lên án, mà còn bởi vài học sinh đứng xem đã thể hiện sự hả hê trước nỗi đau về thể xác và tinh thần của bạn học.

Trước đó một tuần, tại Đắk Lắk, một nam sinh lớp 9 ở thành phố Buôn Ma Thuột cũng bị một nhóm học sinh vây đánh tại ngõ nhỏ bên cạnh trường đến mức gãy ngón tay. Tương tự nhiều trường hợp khác, vụ việc này được học sinh trong nhóm đánh bạn ghi hình và đưa lên mạng xã hội với sự hả hê quái gở...

Những vụ việc như đã dẫn diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước, tuy không ở mức dày đặc nhưng đủ cho thấy vấn nạn bạo lực học đường vẫn đang tiếp diễn dù đã được cảnh báo từ lâu. Thực tế đó cho thấy, hoặc là giải pháp mà chúng ta đưa ra là chưa đủ, hoặc là giải pháp đó bị coi nhẹ, chưa được các bên liên quan thực hiện với hiệu quả cao.

Bàn về nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, chuyên gia giáo dục từ lâu đã chỉ ra “không sót một thứ gì”. Từ những vấn đề liên quan tới tâm lý lứa tuổi với tính hiếu thắng, thích thể hiện đến kỹ năng sống, văn hóa ứng xử còn hạn chế cũng như áp lực học hành, sức khỏe tâm thần, sự thiếu tôn trọng trẻ từ phía gia đình và thậm chí là từ thầy cô giáo...

Bạo lực học đường vẫn tiếp tục thì có nghĩa trách nhiệm của ngành Giáo dục, bên cạnh trách nhiệm từ phía gia đình học sinh, là không thể lảng tránh, chỉ là gián tiếp hay trực tiếp, nặng hay nhẹ mà thôi. Gián tiếp là khi nhà trường thể hiện trách nhiệm chưa đủ mức cần thiết, thậm chí coi nhẹ, nên giải pháp giáo dục chưa đem lại hiệu quả cao; trực tiếp nghĩa là thầy cô giáo có hành vi bạo hành thân thể học sinh hoặc xúc phạm nhân phẩm của trẻ - điều đã xuất hiện trong thực tế.

Vấn nạn bạo lực học đường và cả hành vi tự hại, thậm chí muốn tự tử có liên quan tới tâm lý học đường, văn hóa học đường, gánh nặng học hành và cả những điều không liên quan trực tiếp tới sự học. Khi một đứa trẻ cả tuần liên miên với chương trình học chính khóa rồi học thêm, ngủ không đủ so với nhu cầu của lứa tuổi, ăn uống qua quýt, thiếu thời gian giải trí thì không dễ duy trì sự phát triển về thể chất và tinh thần theo hướng thực sự tích cực.

Một học sinh bị gia đình thúc ép học với yêu cầu quá cao về thành tích so với năng lực và sự cố gắng của bản thân, đó có thể là sự khởi đầu của quá trình đưa trẻ tới sự bất ổn về tâm lý, dẫn đến chán học, không hạnh phúc khi tới trường, dễ phát sinh hành vi tiêu cực.

Hà Nội vào đông, đợt rét đầu tiên khiến người lớn cũng phải co ro, áo ấm đủ đầy. Nhưng người lớn chúng ta hạnh phúc hơn so với khá nhiều học sinh nhỏ tuổi bởi khi tới trường, chúng chưa chắc đã dám chọn áo khoác mẹ mua với mũ liền áo và cổ cao kín gió. Thay vào đó là áo khoác đồng phục hở cổ, mỏng, không chịu khoác thêm gì ra ngoài bởi nếu không nhìn thấy đồng phục là “sao đỏ sẽ ghi sổ”.

Khi trẻ chọn hình thức thay vì sức khỏe, đó chắc chắn là lỗi của người lớn, bởi nhiều nơi không có chỉ dẫn hợp lý kịp thời, vô tình tạo áp lực và khiến trẻ phải sợ... Sự bất ổn về tâm lý là một trong số nguyên nhân quan trọng dẫn đến bạo lực học đường.

Mới đây, khi trả lời nội dung chất vấn liên quan tới bạo lực học đường tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhắc tới việc bổ sung quy định về vị trí việc làm trong trường học và tới đây có thêm vị trí chuyên về tư vấn tâm lý học đường. Đó là điều đáng mừng, bởi vị trí công tác này giúp học sinh gặp bất ổn về tâm lý được chăm sóc, chỉ dẫn ứng xử đúng mực; giúp phát hiện nguyên nhân bạo lực từ sớm để các bên liên quan phối hợp giúp đỡ trẻ, tránh hậu quả đáng tiếc... Đáng nói là vị trí việc làm này dù từ lâu đã được khẳng định là cần thiết, thế nhưng tới giờ vẫn ở thì tương lai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chúng ta đã chậm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.