(HNM) - Với chủ đề “Tạo dựng tương lai chung trong một thế giới rạn nứt”, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2018 đã kết thúc ngày 26-1 tại Davos (Thụy Sĩ). Cũng như mọi năm, sự kiện thường niên này quy tụ nhiều lãnh đạo chính phủ, giới tinh hoa kinh tế và các nhà hoạt động xã hội lớn khắp các châu lục cùng thảo luận...
Sự kiện năm nay diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới bắt đầu có dấu hiệu hồi phục khả quan 10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng vẫn chưa hoàn toàn tươi sáng. Thế giới vẫn đứng trước nhiều thách thức, cạnh tranh địa chính trị giữa các quốc gia ngày càng gay gắt. Năm qua, dấu hiệu rạn nứt trong các mối quan hệ giữa các cường quốc liên tục gia tăng.
Diễn đàn Kinh tế thế giới 2018 “nóng” vì vấn đề chủ nghĩa bảo hộ. |
Tại Liên minh Châu Âu (EU), nước Anh “dứt áo” ra đi. Quan hệ giữa Mỹ với các cường quốc như Trung Quốc, Nga đều có khúc mắc về cả chính trị và kinh tế, trong khi quan hệ đồng minh Washington - EU cũng xuất hiện những khác biệt dưới thời Tổng thống Donald Trump. Đây là lý do diễn đàn WEF 2018 chứng kiến sự đối đầu giữa một bên do EU đại diện nhằm bảo vệ chủ nghĩa đa phương với một bên ủng hộ thông điệp “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống D.Trump. Quyết định của ông chủ Nhà Trắng nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ được cho là đi ngược lại những nguyên tắc mà các nhà lãnh đạo dự hội nghị lần thứ 48 của WEF luôn tin tưởng như thương mại tự do, toàn cầu hóa, chủ nghĩa đa phương...
Kể từ khi lên nắm quyền (tháng 1-2017), chính sách thương mại có xu hướng khép kín của Tổng thống D.Trump đã làm thay đổi nhiều quan hệ kinh tế trên thế giới. Ông chủ Nhà Trắng thậm chí còn rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và yêu cầu đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã thông qua dưới thời chính quyền của người tiền nhiệm B.Obama. Đây là lý do trong bài phát biểu tại WEF 2018, Tổng thống Pháp E.Macron và Thủ tướng Đức A.Merkel đã kêu gọi các cường quốc và các doanh nghiệp nỗ lực để toàn cầu hóa phục vụ đông đảo người dân thay vì chỉ mang lại lợi ích cho một số người. Ông chủ Điện Elysee cho rằng, “hiện nay, toàn cầu hóa đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng và thách thức toàn cầu này cần một nỗ lực giải quyết toàn cầu”. Ông kêu gọi những người bị toàn cầu hóa bỏ lại phía sau phải được bảo vệ, còn các cường quốc lẫn doanh nghiệp trên thế giới phải làm cho xu hướng này đem lại lợi ích cho số đông.
Trong khi đó, người đứng đầu Chính phủ Đức khẳng định “tự đóng cửa, tự cô lập không đưa chúng ta đến tương lai tốt đẹp. Chủ nghĩa bảo hộ không phải là lời giải đáp. Chúng ta nên tìm kiếm những giải pháp đa phương chứ không phải đơn phương vì chúng cuối cùng sẽ chỉ đem lại sự cô lập và bảo hộ”. Ở bên ngoài hội nghị, bầu không khí cũng “nóng bỏng" không kém. Hàng nghìn người đã diễu hành qua các đường phố Davos để phản đối chủ nghĩa bảo hộ.
Ra đời cách đây 47 năm, WEF vẫn được coi là diễn đàn thường niên thúc đẩy thương mại tự do, với niềm tin thương mại sẽ mang lại thịnh vượng cho mọi quốc gia. Tuy nhiên, thời gian qua, thế giới đã chứng kiến những cú sốc lớn, đáng chú ý là trào lưu dân túy xuất hiện và nhanh chóng lan khắp các nước công nghiệp phát triển, bắt đầu từ vụ bỏ phiếu rời EU ở Anh.
Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập WEF cho rằng, sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các quốc gia đang tạo nên những chia rẽ sâu rộng trong lòng xã hội. Vì vậy, thách thức lớn của thế giới trong thời gian tới là phải tìm cách củng cố niềm tin và phối hợp trong hành động vì sự thịnh vượng chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.