(HNM) - Trong tiến trình phát triển, mỗi bước đi, thành quả của Thủ đô đều nhận được sự quan tâm, phản ánh kịp thời và toàn diện của các cơ quan báo chí, thể hiện qua việc chủ động thông tin, làm tốt vai trò phản biện, là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân. Trong sự đóng góp toàn diện ấy, có vai trò cốt yếu của báo chí Hà Nội với tinh thần luôn chung sức, chung lòng vì Thủ đô thân yêu.
Phóng viên báo chí tác nghiệp tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI. Ảnh: Bá Hoạt |
Chủ động thông tin, bám sát thực tiễn
Hà Nội là trung tâm báo chí hàng đầu cả nước, với tổng số hơn 1.500 lao động, thuộc hơn 20 cơ quan báo chí, trong đó có gần 800 người được cấp thẻ nhà báo, xuất bản hơn 30 ấn phẩm. Với lực lượng hùng hậu, gồm 1.037 hội viên Hội Nhà báo Hà Nội thuộc 19 liên chi hội, chi hội các cơ quan (tính đến 1-6-2017), báo chí Thủ đô ngày càng khẳng định vị thế trong công tác tuyên truyền, xứng đáng là lực lượng xung kích, tin cậy trên mặt trận chính trị - tư tưởng của Ðảng, Nhà nước và nhân dân. Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã nhiều lần biểu dương và đánh giá cao vai trò của báo chí Hà Nội trong thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền, định hướng dư luận, góp phần vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội Nguyễn Viêm Hoàng cũng không giấu niềm tự hào của những người làm báo Thủ đô, khi đánh giá: "Với nhiệm vụ của mình, báo chí Thủ đô tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả, cổ vũ toàn Đảng và các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết lần thứ XVI của Đảng bộ TP Hà Nội; các chương trình công tác, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa, an ninh - quốc phòng, hoạt động đối ngoại... của thành phố và cả nước".
Đáng chú ý, các cơ quan báo chí nói chung và báo chí Thủ đô nói riêng đã và đang làm tốt vai trò phản biện, thực sự là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xem xét, vào cuộc xử lý công tác cán bộ; nhiều vấn đề, vụ việc bắt nguồn từ thông tin của báo chí, trong đó có những kênh báo chí chính thống và hiệu quả như: Báo Hànộimới, Báo Kinh tế và Đô thị, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội... Qua đó, thành phố kịp thời giải quyết nhiều vấn đề, vụ việc bức xúc trong các lĩnh vực quản lý đất đai, đô thị, trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
Theo thống kê, năm 2016 cũng như 6 tháng đầu năm 2017, trung bình hằng tháng có khoảng 20 - 30 văn bản chỉ đạo của các cấp lãnh đạo thành phố yêu cầu báo cáo, xử lý vấn đề báo chí nêu cùng với việc tổ chức theo dõi, đôn đốc xử lý tới cùng vụ việc… Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: "Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố luôn coi trọng thông tin báo chí, xác định báo chí là một kênh thông tin quan trọng giúp lãnh đạo TP Hà Nội nắm bắt thực tế đời sống hằng ngày, để kiểm tra và kịp thời đưa ra hướng xử lý phù hợp, tạo sự ổn định, đồng thuận trong xã hội. Lãnh đạo thành phố luôn trân trọng, lắng nghe các ý kiến góp ý, phê bình thẳng thắn xuất phát từ tinh thần trách nhiệm, tình cảm của báo chí đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô".
Nâng cao chất lượng thông tin, tạo đồng thuận xã hội
Phóng viên tác nghiệp tại Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng. Ảnh: Bá Hoạt |
Thủ đô Hà Nội đang đứng trước giai đoạn phát triển mới, hướng tới mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thực tế đó đòi hỏi báo chí Thủ đô phải luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, phản ánh kịp thời, chân thực những vấn đề thời sự trong đời sống xã hội; tăng cường định hướng dư luận. Với những vấn đề nhạy cảm, phức tạp trên địa bàn thành phố, báo chí Thủ đô càng cần có những bài viết khách quan, toàn diện, phản biện tích cực, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Theo đánh giá của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Phan Lan Tú, cùng với việc tích cực tuyên truyền các chương trình công tác trọng tâm của thành phố, từ đầu năm đến nay, báo chí Thủ đô đã có nhiều tác phẩm phát hiện, nêu gương các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong các lĩnh vực và có nhiều bài viết liên quan đến phòng, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí; đấu tranh, phản bác các hành vi sai trái, xuyên tạc của các thế lực phản động...
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, phóng viên, nhà báo thuộc các cơ quan báo chí Thủ đô luôn ý thức bồi đắp phẩm chất chính trị, trau dồi trình độ nghiệp vụ, phản biện tích cực, vì sự ổn định và phát triển chung của thành phố. Nhiều tuyến bài hay đã được thực hiện, tham gia các giải báo chí như: Giải báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại...
Đặc biệt, Giải Báo chí Ngô Tất Tố và Giải thưởng viết về "Gương người tốt - việc tốt" trên địa bàn Hà Nội thực sự đã trở thành một hoạt động tuyên truyền mang tính sâu rộng, có tác động tích cực đến xã hội, trở thành thương hiệu của báo chí Thủ đô... Khẳng định nỗ lực đóng góp của báo chí Hà Nội trong sự phát triển chung của Thủ đô và cả nước, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội, Tổng Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội Tô Quang Phán nhấn mạnh: "Các cơ quan báo chí chủ lực Thủ đô đã và đang đầu tư, cải tạo, nâng cấp công nghệ làm báo hiện đại để ứng dụng vào công việc ngày càng hiệu quả hơn".
Không chỉ bằng trách nhiệm mà cả bằng tình cảm, báo chí Thủ đô đã luôn thể hiện sự chung sức, chung lòng, vì sự phát triển chung của Hà Nội. Tuy nhiên, để thông tin đến được bạn đọc đúng nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất, rất cần sự chủ động hơn nữa trong việc cung cấp thông tin của các cơ quan chức năng trên địa bàn, hỗ trợ báo chí Thủ đô vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt thông tin chính xác, kịp thời, khách quan, định hướng dư luận tốt, tạo đồng thuận xã hội cao hơn, phục vụ công cuộc phát triển về mọi mặt của Thủ đô và đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.