(HNM) - Hôm nay 1-6, Tết của trẻ em. Trong ngày Quốc tế Thiếu nhi, mọi sự chú ý đều hướng vào con trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước, niềm hy vọng của thế giới ngày mai. Suy nghĩ và hành động, làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần, nhân cách, trí tuệ.
Từ trước tới nay, Đảng và Nhà nước ta luôn dành cho trẻ em sự quan tâm đặc biệt. Sự quan tâm đó được hiện thực hóa thông qua chủ trương, chính sách, hành động cụ thể nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Hệ thống thể chế, pháp luật ngày càng được hoàn thiện. Tháng 4 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em 2016 (có hiệu lực từ ngày 1-6-2017) với nhiều điểm mới so với Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004.
Trước đó, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 20/CT-TƯ ngày 5-11-2012 về "Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới"; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020, Kế hoạch triển khai thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban về Quyền trẻ em của Liên hợp quốc… Hằng năm, tại Việt Nam, chương trình Tháng hành động vì trẻ em được phát động, triển khai thực hiện trong phạm vi cả nước; khoảng 10 triệu trẻ em tham gia chương trình vui tết Trung thu được tổ chức tại các địa phương. Đó là chưa kể các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em được các bộ, ngành phối hợp thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực trong vấn đề cung cấp dịch vụ và phúc lợi xã hội dành cho trẻ em...
Những quyết sách lớn, những chương trình hành động có ý nghĩa quan trọng, tính bao quát cao đã góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Trong tổng thể đó, vẫn có những vấn đề cần tiếp tục được cải thiện, thậm chí là còn những lĩnh vực công tác chưa thể khiến chúng ta hài lòng, như việc tạo sân chơi cho trẻ - cả ở thành thị và nông thôn. Hà Nội, ở vị trí hàng đầu trong cả nước về việc tạo dựng sân chơi cho trẻ em với gần 2.000 điểm vui chơi cộng đồng, hàng trăm điểm vui chơi giải trí, và cuối năm ngoái, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chấp thuận đề xuất đầu tư xây dựng sân chơi, vườn hoa trên địa bàn Thủ đô với tổng diện tích lên tới 220ha. Tuy vậy, so với nhu cầu, mục tiêu, Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được một cách hoàn hảo nhu cầu về chỗ chơi cho trẻ. Hạn chế đáng chú ý, cũng như nhiều đô thị lớn khác, là thiếu không gian sinh hoạt chung tại cộng đồng, hình thức giải trí còn đơn điệu.
Sự thiếu cần phải khắc phục, vì tương lai con em chúng ta, vì những lứa công dân trong tương lai có đủ phẩm chất để xây dựng đất nước. Muốn vậy, điều cần đầu tiên là hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy nhằm tạo môi trường luật pháp thuận lợi cho sự phát triển của trẻ em. Chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện và triển khai các chương trình, dự án phục vụ trẻ em phù hợp với bối cảnh hiện tại và tương lai; tiếp tục quan tâm tới đời sống văn hóa - giáo dục của trẻ, thúc đẩy sự hợp tác giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em; có biện pháp nhằm giám sát việc thực hiện quyền của trẻ em theo luật định. Và cùng với đó cần đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em, huy động tối đa sự đóng góp của cộng đồng nhằm chăm sóc tốt cho "thế giới ngày mai".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.