(HNMO) – Mặc dù Hy Lạp chỉ chiếm 0,3% nền kinh tế toàn cầu, nhưng nó đã gây ra một sự bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu.
Hãng tin CNN cho biết, trong phiên giao dịch hôm qua (29/6), chứng khoán Mỹ đã có sự sụt giảm tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2015. Các nhà đầu tư không ưa sự thiếu chắc chắn và Hy Lạp là nguồn cơn gây ra mối lo này.
Chỉ số Dow đã mất 350 điểm, gần chạm mức giảm 2%. Chỉ số S&P 500 giảm hơn 2%, và chỉ số công nghệ cao Nasdaq mất 2,4%.
Thị trường châu Á và châu Âu thậm chí còn giảm sâu hơn, ngập trong sắc đỏ. Chỉ số DAX của Đức đóng cửa giảm 3,5%.
Mặc dù vấn đề nợ của Hy Lạp không phải là mới nhưng các nhà đầu tư không hy vọng vào việc Hy Lạp kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 tới để người dân cân nhắc về việc có nên chấp nhận các điều khoản cứu trợ tài chính mới nhất từ châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế hay không. Ngay cả khi người Hy Lạp bỏ phiếu chấp nhận thỏa thuận này, vẫn còn rất nhiều việc phải bàn.
Hôm qua, cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor cho biết, họ tin rằng cơ hội là 50/50 với việc Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu. UBS đặt xác suất 40%. Hy Lạp sẽ trở thành quốc gia đầu tiên làm việc này.
S&P đã ra một tuyên bố khiến các nhà đầu tư tăng tốc bán tháo. Tổ chức này nói: "Chúng tôi coi quyết định của Hy Lạp trong việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về các đề xuất vay nợ chính thức như là một dấu hiệu nữa cho thấy chính phủ Tsipras sẽ ưu tiên cho sự ổn định chính trị trong nước hơn là sự ổn định về tài chính và kinh tế, các khoản thanh toán nợ thương mại và thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu. Theo quan điểm của chúng tôi, khả năng Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro hiện nay vào khoảng 50%".
Hôm nay, 30/6, Hy Lạp phải đối mặt với một thời hạn rất quan trọng, khi khoản vay 1,7 tỷ USD của nước này với IMF đến hạn. Hy Lạp gần như chắc chắn không thể trả được khoản này đúng hạn. Tổng cộng, Hy Lạp nợ khoảng 367 tỷ USD, chủ yếu là nợ IMF và các quốc gia châu Âu khác. Nếu Hy Lạp vỡ nợ, nó sẽ là quốc gia lớn nhất vỡ nợ trong lịch sử.
Trong khi các cổ phiếu đang trượt giá, trái phiếu Mỹ lại chiến thắng. Lợi tức trái phiếu 10 năm đã giảm xuống mức thấp 2,32% khi các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn. Lãi suất giảm khi giá trái phiếu tăng.
Thị trường chứng khoán của Hy Lạp đã đóng cửa hôm qua. Đất nước này cũng đã đóng cửa các ngân hàng để ngăn dòng tiền rời khỏi đất nước.
Tuần này dường như có thể sẽ khó khăn cho thị trường trên toàn thế giới, nhưng tác động dài hạn có thể được hạn chế. Goldman Sachs lưu ý rằng châu Âu đang chuẩn bị tốt hơn cho cuộc khủng hoảng Hy Lạp.
Một sự khác biệt quan trọng vào thời điểm này là các ngân hàng châu Âu đang trong tình trạng tốt hơn nhiều so với một vài năm trước đây và nợ Hy Lạp không còn được khu vực tư nhân nắm giữ nhiều. Tất cả điều này sẽ giúp kiềm chế khủng hoảng, bất kể điều gì sẽ xảy ra: vỡ nợ và khả năng rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.