(HNM) - Ở chung cư nên ô tô, xe máy - tài sản lớn của người dân buộc phải để tầng hầm. Trước tình trạng ngập lụt ngày càng tăng, ngay cả tầng hầm khu căn hộ cao cấp Saigon View Residences (quận Bình Thạnh) cũng bị ngập trong nước làm 7 chiếc ô tô hư hại, người dân đang sống trong các chung cư
Người dân TP Hồ Chí Minh đang bất an trước tình trạng ngập lụt. |
SaiGon View Residences là khu căn hộ 4 sao cao cấp gồm 12 tầng dùng để cho thuê, đạt tiêu chuẩn cao cấp với nội thất sang trọng, hiện đại. Nơi đây chủ yếu là người nước ngoài đến thuê để sinh sống và làm việc. Nhiều năm qua, vào mùa mưa, dù đường thành sông, nhà phố xung quanh phải đắp đập thì cư dân SaiGon View Residences vẫn ung dung bởi "chân" chưa "dính nước". Thế nên khi tầng hầm khu căn hộ này bị ngập nhấn chìm 7 chiếc ô tô trong nước chỉ sau một trận mưa kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ tối 6-9 vừa qua, cư dân ở chung cư nhiều nơi đã bất an.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh) cho biết, TP Hồ Chí Minh là một trong 10 thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi biến đổi khí hậu. Để đối phó với tình hình này, thành phố đang triển khai nhiều phương án như xây dựng các khu bảo vệ trong thành phố (quy mô vừa) với hệ thống đê sử dụng cống ngăn triều, nâng cao độ đê, nâng nền và các tòa nhà chống ngập…
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh, trong trường hợp tài sản để tại tầng hầm SaiGon View Residences mà bị hư hỏng do ngập nước thì trách nhiệm đền bù thiệt hại phải thuộc về chủ đầu tư dự án. Nếu chủ đầu tư dự án giao lại quyền quản lý cho Ban Quản lý khu căn hộ thông qua việc ký hợp đồng rõ ràng và Ban Quản lý tòa nhà đứng ra thu phí đỗ xe hằng tháng thì trách nhiệm đền bù lại thuộc về Ban Quản lý tòa nhà. Ngoài ra, các đơn vị bảo hiểm xe cũng có thể xem xét trách nhiệm nếu trong hợp đồng bảo hiểm có các điều khoản liên quan. |
Tuy nhiên theo các chuyên gia, những giải pháp trên chỉ là tình thế và thực tế ở thành phố nhiều năm qua, càng chống càng ngập. Những năm gần đây, khu vực phát sinh điểm ngập nhiều nhất không phải là những khu vực thấp trũng mà là những khu vực vốn được cho là cao ráo của thành phố như quận 12, Gò Vấp, Hóc Môn… Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng ngập lụt là do quá trình quản lý đô thị còn nhiều bất cập gây ra.
Để giải quyết căn cơ, GS-TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trước hết thành phố phải ngăn chặn tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch hồ điều tiết chống ngập trong các khu vực dân cư, ít nhất cũng phải có 5 đến 7 hồ điều tiết nhằm tiêu thoát nước nhanh khi có mưa hay triều cường dâng cao. Thành phố cũng nên xây dựng dự án khôi phục những vùng đất thấp như huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè; quận 7, 12, Thủ Đức… dưới góc độ phát triển bền vững. Bởi nếu bao đê quanh nội thành thành phố thì khi triều cường, lũ hay mưa lớn, nước không vào được khu vực trung tâm sẽ tràn ra các khu vực xung quanh khiến tình trạng ngập càng nặng hơn. Ngoài ra, GS-TSKH Lê Huy Bá góp ý, thành phố cần đem phương pháp chống ngập ra công khai để các nhà khoa học bàn luận, thảo luận, đóng góp ý kiến và có những nghiên cứu thực tế và lâu dài để phát huy hiệu quả trong các giải pháp chống ngập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.