Có tới 80% dân số Singapore sinh sống trong các khu chung cư do nhà nước quản lý. Trước bài toán quỹ đất hạn chế, Chính phủ nước này đã mạnh dạn triển khai một kế hoạch đầy tham vọng: Hiện đại hóa các khu chung cư cũ, đồng thời bảo tồn hồn cốt cộng đồng, nhằm tạo nên những không gian sống đáng mơ ước.
Tanglin Halt và Farrer Park là những điển hình thành công trong tiến trình hiện thực hóa tầm nhìn của đảo quốc sư tử.
Tầm nhìn chiến lược
Năm 1995, Thủ tướng Goh Chok Tong công bố Chương trình Tái phát triển đặc biệt (SERS). Chương trình này đặt ra một tầm nhìn táo bạo, nhằm biến các khu chung cư cũ do Ban phát triển nhà ở Singapore (HDB) quản lý, vốn đã xuống cấp, thành những cộng đồng hiện đại, trên cơ sở tận dụng tối đa quỹ đất vốn rất hạn chế của quốc đảo này. Không chỉ tập trung vào việc xây mới mà SERS còn cam kết nâng cao chất lượng sống, mang đến nhà ở tiện nghi và tiện ích của thế kỷ XXI, đồng thời giữ gìn bản sắc cộng đồng cho chính những người dân sở tại. Tanglin Halt ở Queenstown và Farrer Park ở Kallang/Whampoa là hai khu vực tiêu biểu cho thấy sự đúng đắn và cần thiết của SERS.
Tanglin Halt, được xây dựng từ năm 1962, là một trong những khu chung cư đầu tiên của Singapore, với khoảng 3.500 - 4.000 căn hộ nằm trong các tòa nhà cao từ 7 - 10 tầng. Khu vực này từng nổi bật với trung tâm ẩm thực Tan-glin Halt Food Centre - trái tim của cộng đồng dân cư tại đây với các quầy hàng rong và món ăn truyền thống. Tuy nhiên, bước sang thế kỷ XXI, các căn hộ có diện tích chỉ từ 40 - 60m² dần trở nên chật chội. Cơ sở hạ tầng cũ kỹ - hành lang hẹp, thiếu thang máy, hệ thống điện nước lạc hậu - gây ra không ít bất tiện, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Farrer Park, khu nhà ở hình thành từ thập niên 1960 - 1970, với khoảng 2.000 - 3.000 căn hộ nhỏ hẹp. Tiện ích tại đây chỉ giới hạn ở vài cửa hàng đơn sơ, trong khi chỗ đỗ xe ít ỏi không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của một đô thị hiện đại.
Từng là một phần quan trọng trong quá trình đô thị hóa của đảo quốc sư tử, nhưng những khu nhà này đã không còn phù hợp với tiêu chuẩn sống hiện đại. Không gian chật chội, hạ tầng xuống cấp khiến việc cải tạo trở thành yêu cầu tất yếu. Và Chương trình Tái phát triển đặc biệt (SERS) đã ra đời như một giải pháp cấp thiết - vừa tối ưu hóa việc sử dụng quỹ đất, vừa mang đến điều kiện sống tốt hơn cho người dân.
Tái thiết để nâng tầm chất lượng sống
Chương trình Tái phát triển đặc biệt (SERS) của Chính phủ Singapore đã mang đến sự “lột xác” ngoạn mục cho Tanglin Halt và Farrer Park. Từ những khu chung cư cũ kỹ, xuống cấp, hai khu vực này đã chuyển mình thành các cộng đồng dân cư hiện đại với không gian sống tiện nghi và chất lượng vượt trội. SERS triển khai một loạt giải pháp toàn diện - từ quy hoạch xây dựng, kế hoạch bồi thường, tạm cư cho đến tái định cư - nhằm đảm bảo quá trình hiện đại hóa diễn ra đồng bộ và bền vững.
Tại Tanglin Halt, HDB dự kiến thay thế các dãy chung cư cũ bằng những tòa nhà cao từ 30 - 40 tầng, thậm chí 50 tầng, với khoảng 5.500 căn hộ mới - tăng 37% so với trước. Tổng diện tích sàn được mở rộng đáng kể, từ 140.000 - 240.000m² lên đến 330.000 - 550.000m². Người dân tại đây được bồi thường theo giá thị trường, nhận hỗ trợ tài chính và được ưu tiên mua nhà mới ngay trong khu vực lân cận thuộc Queenstown, giúp duy trì mối liên kết cộng đồng mang tính lịch sử. Tương tự, tại Farrer Park, HDB tiến hành xây dựng 3.000 - 4.000 căn hộ mới, tăng từ 33% - 50%, trong các tòa nhà cao 30 - 50 tầng. Diện tích sàn cũng tăng vọt từ 80.000 - 180.000m² lên đến 180.000 - 400.000m². Cư dân nơi đây không chỉ được bồi thường thỏa đáng và hỗ trợ tài chính khi mua nhà mới, mà còn được tái định cư gần khu vực cũ, đảm bảo duy trì sự kết nối với cộng đồng và các địa điểm quen thuộc như khu Little India.
Kế hoạch tái phát triển không chỉ tối ưu hóa quỹ đất hiện hữu mà còn tích hợp hệ thống tiện ích hiện đại như công viên, trường học, trung tâm thương mại và hạ tầng giao thông thuận tiện. Tại khu Tanglin Halt mới với các căn hộ được thiết kế rộng rãi, từ 60 - 100m², đa dạng về cấu trúc, từ 2 - 5 phòng ngủ, được trang bị thang máy, ban công thoáng đãng, vượt xa những căn hộ cũ kỹ, chật hẹp, thiếu thang máy trước đây. Khu vực này cũng được quy hoạch đồng bộ với hệ thống công viên, trường học, khu thể thao theo tiêu chuẩn cao. Đặc biệt, một trung tâm ăn uống hiện đại được xây dựng như sự tiếp nối di sản ẩm thực truyền thống của Tanglin Halt.
Tương tự, các căn hộ tại Farrer Park có diện tích tương đương, với thiết kế hiện đại, đầy đủ tiện ích như thang máy, khu vui chơi và không gian công cộng. Lợi thế nằm ở vị trí trung tâm giúp khu vực này dễ dàng tích hợp với hệ thống hạ tầng đô thị, đặc biệt là ga tàu điện ngầm MRT Farrer Park. Những thay đổi này cho thấy SERS không chỉ cải thiện không gian sống mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân.
Đồng thuận tạo nên thành công
Quá trình tái phát triển tại Tanglin Halt và Farrer Park không chỉ đơn thuần là câu chuyện về nhà ở, mà còn là một mô hình điển hình cho sự cân bằng giữa hiện đại hóa không gian sống và bảo tồn cộng đồng. Trọng tâm của mô hình này là tính minh bạch và sự tham gia của người dân.
Chính phủ Singapore công khai tiêu chí lựa chọn khu vực tái phát triển, quy trình bồi thường và thông báo sớm, giúp cư dân có đủ thời gian chuẩn bị tâm lý và kế hoạch cho cuộc sống mới. Chính sách tái định cư ưu tiên trong khu vực lân cận, đi kèm với hỗ trợ tài chính, đã giúp người dân duy trì mối liên kết cộng đồng vốn có - điều thường bị đánh mất trong các dự án đô thị quy mô lớn.
Bên cạnh đó, các giải pháp quy hoạch có tính kết nối văn hóa cũng được chú trọng. Trung tâm ăn uống mới tại Tanglin Halt tiếp nối tinh thần của khu ẩm thực truyền thống trước đây. Ở Farrer Park, quá trình tái phát triển vẫn giữ được hệ thống nhà hàng Ấn Độ, trung tâm mua sắm Mustafa Centre và kết nối chặt chẽ với Little India - khu vực có cộng đồng người Ấn lớn nhất Singapore. Đặc biệt, các tòa nhà mới đều áp dụng tiêu chuẩn xanh: Sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, thiết kế không gian mở và nhiều mảng xanh.
Trong quá trình triển khai quy hoạch, cơ quan quản lý đã tổ chức tham vấn cộng đồng, lắng nghe ý kiến cư dân để điều chỉnh thiết kế sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế. Chính sự tương tác chặt chẽ này đã tạo nên sự đồng thuận và ủng hộ rộng rãi từ phía người dân.
Những bài học từ SERS cho thấy một tầm nhìn đột phá, sáng tạo và thấu hiểu, không chỉ đáp ứng nhu cầu nhà ở mà còn định hình một Singapore phát triển hiện đại, bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.