Seollah, tết âm lịch, là một trong những lễ hội dân tộc được chào đón nhất tại Hàn Quốc. Dù nhiều người cũng đón Sinjeong (tết dương lịch) nhưng tết thật sự với phần đông dân Hàn là Seollah.
Seollah thường kéo dài 3 ngày, một ngày trước Tết, chính Tết và sau Tết một ngày. Seollah (Tết) năm nay rơi vào ngày 23/1 của lịch dương.
Không chỉ là một lễ hội đánh dấu sự khởi đầu của năm mới, Seollah thực sự là một dịp đặc biệt với người dân Hàn Quốc. Nó không chỉ là thời gian để tỏ lòng tôn kính với tổ tiên mà còn là cơ hội gặp gỡ với các thành viên khác trong gia đình. Khi đó, không có gì lạ khi người Hàn Quốc mặc trên mình những bộ hanbok tuyệt đẹp và thực hiện các nghi lễ tổ tiên hay chơi các trò chơi cổ truyền, ăn các món truyền thống, nghe chuyện rồi tán gẫu tới đêm.
Trước Tết (Seollah), các gia đình người Hàn phải chuẩn bị nhiều việc, đặc biệt là quà tặng, kế hoạch đi lại và thực phẩm. Người thân và bạn bè sẽ trao quà tặng cho nhau, vì vậy đi mua quà trước ngày lễ hội là rất cần thiết. Món quà phổ biến nhất trong dịp Seollah là thẻ mua hàng ở siêu thị và tiền mặt. Một số món quà phổ biến khác là sâm, mật ong, các sản phẩm sức khỏe, ghế mát xa, đồ phòng tắm, các gói quà đựng thực ăn gồm cá ngừ, thịt jam bông hộp, cá hoặc hoa quả khô, kẹo bánh truyền thống.
Một việc cũng không kém phần quan trọng phải chuẩn bị trước Tết, đặc biệt là những người phải di chuyển xa, đó là sắp xếp các chuyến đi. Nhiều người chọn việc đi lại bằng tàu hỏa và phải đặt vé từ trước để tránh tình trạng giao thông đông đúc. Trong khi đó, một số người vẫn khăng khăng di chuyển bằng xe riêng hoặc xe buýt. Dù gì đi nữa, việc về quê vào dịp Seollah vừa gây hồi hộp vừa rất stress.
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, đó là thực phẩm trong dịp Seollah rất được chú trọng. Các gia đình thường dành cả ngày trước Seollah để chuẩn bị các món ăn sẽ dùng để cúng tổ tiên cũng như để các thành viên thưởng thức. Món ăn điển hình nhất là tteokguk (bánh canh gạo) và những món khác như galbijjim (sườn om), japchae (mì sợi với rau xào), bánh, hangwa (kẹo và bánh cổ truyền) cũng như hàng chục món khác được làm từ rau, thịt và cá. Nhiều người Hàn Quốc tin rằng hình dáng và mùi vị của các món cúng sẽ quyết định mức độ hài lòng của tổ tiên do đó họ chuẩn bị các món ăn rất cẩn thận.
Theo truyền thống, việc chuẩn bị thức ăn là công việc của phụ nữ song hiện nay nhiều gia đình phân chia trách nhiệm cho các thành viên hoặc đơn giản là thuê dịch vụ.
Buổi sáng của Seollah bắt đầu bằng nghi lễ cúng tổ tiên. Các thành viên trong gia đình mặc hanbok mới, tập trung trước bàn thờ vốn được bày biện các món ăn rồi cúi đầu cầu khấn. Sau nghi lễ này, mọi người bắt đầu ăn uống các món đã thờ cúng. Tteokguk là món ăn chính của Seollah.
Sau bữa ăn, thế hệ trẻ hơn trong gia đình sẽ cúi rạp để tỏ lòng kính trọng người già và sau đó là tặng quà. Người lớn tuổi hơn sau đó sẽ cầu chúc cho một năm mới thịnh vượng. Trẻ em thường được nhận sebaetdon (tiền lì xì). Thời gian còn lại trong ngày, các thành viên trong gia đình sẽ chơi các trò truyền thống và ăn uống, trò chuyện.
Seollal cũng là cơ hội để cả gia đình cùng nhau tham gia các hoạt động vui vẻ. Hoạt động phổ biến nhất là yutnori, một trò chơi gồm 4 que gỗ, đi và dừng, một lá bài được dùng để ghi điểm, người được nhiều điểm sẽ thắng. Cuối ngày, cả gia đình sẽ đi tới rạp hát hoặc theo dõi chương trình đặc biệt trên truyền hình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.