Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuẩn bị tâm thế, bước qua “bước ngoặt”

Lâm Vũ thực hiện| 15/08/2011 07:03

(HNM) - Hôm nay, học sinh (HS) phổ thông ở Thủ đô chính thức bước vào năm học mới 2011-2012. Đối với HS bắt đầu vào lớp 1 và chuyển cấp, đây là một


Giáo viên và phụ huynh nên nói chuyện về những bỡ ngỡ sẽ gặp là phương pháp tốt nhất để chuẩn bị tâm thế cho trẻ khi vào lớp 1.   Ảnh: Khánh Nguyên

- Xin tiến sĩ cho biết những khó khăn về tâm lý của HS bước vào lớp 1 và chuyển cấp từ tiểu học (TH) sang THCS, từ THCS vào THPT?

- Với trẻ vào lớp 1, nếu đã qua mẫu giáo thì việc sẵn sàng đi học của trẻ ít khó khăn hơn so với trẻ không đi học. Ở các nước phát triển, bao giờ các em cũng đi từ nhà trẻ, mẫu giáo rồi vào trường phổ thông. Còn nước ta, tỷ lệ trẻ đi nhà trẻ ít, tỷ lệ đi mẫu giáo cũng không cao, nhất là ở các vùng nông thôn, nên trẻ khó thích nghi hơn. Khó khăn của trẻ khi vào lớp 1 là khó khăn về tâm thế khi vào trường. Vào lớp 1, mỗi tiết học, HS phải ngồi yên 30 phút chứ không phải là thích thì học, không thích thì chơi như ở mẫu giáo. Hoạt động chủ đạo ở mẫu giáo là hoạt động chơi, còn ở lớp 1 là hoạt động học. Ngoài ra, đi học lớp 1, HS phải làm toán, ghép vần chứ không phải như ở mẫu giáo là làm quen với chữ cái. Hai hoạt động chủ đạo ấy đã quy định sự khác nhau giữa hai bậc học và bắt buộc trẻ phải thích nghi. Cũng từ sự khác nhau đó đã làm nảy sinh cảm xúc như: không thích đi học, sợ cô giáo… của trẻ.

HS vào lớp 6 cũng có khó khăn do giữa bậc TH và THCS có những điểm khác biệt. Ở bậc THCS, không chỉ có một cô giáo mà rất nhiều giáo viên tham gia dạy, số môn học cũng nhiều hơn nên trẻ cũng khó thích nghi. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, hứng thú học tập của HS THCS giảm sút. Một trong những nguyên nhân là độ tuổi dậy thì giảm xuống, trước là ở THCS nay cuối cấp TH trẻ gái đã dậy thì. Vì thế, hoạt động giao tiếp bạn bè nhằm khẳng định tính người lớn của trẻ ngày càng tăng. Đấy là chưa nói đến ở độ tuổi này, nội tiết thay đổi, quan niệm sống của trẻ cũng thay đổi có bước ngoặt nên ảnh hưởng không ít đến việc thích nghi của trẻ và việc học.

Lên THPT, khó khăn về mặt tâm lý ít hơn do trẻ dần trở thành người lớn. Cùng là một HS, ở lớp 9, trẻ nghịch ngợm và còn trẻ con nhưng lên lớp 10 lại vào kỷ luật. Ở độ tuổi này, HS bắt đầu nghĩ đến tương lai của mình nên ganh đua học tập. Ở bậc THPT, hoạt động chủ đạo của HS là lựa chọn nghề. Mặt khác, việc học không thay đổi nhiều so với THCS nên HS không ngỡ ngàng lắm.

- Chương trình học nặng có ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh chuyển cấp không, thưa tiến sĩ?

- Nó ảnh hưởng đến mặt khác, chứ không ảnh hưởng tới sự thích nghi. Sự thích nghi do đặc điểm lứa tuổi quy định. Hơn nữa, chúng ta không nên cái gì cũng đổ tại chương trình nặng. Tất nhiên thiết kế chương trình học của mình vẫn còn nhiều vấn đề nhưng tôi không nghĩ là chương trình nặng. Vấn đề là cách dạy nhiều khi khiến chương trình thành nặng. Ví dụ, trong môn Sử chẳng hạn, giáo viên toàn dạy các con số thì làm sao học sinh nhớ được? Dạy Sử là phải dạy sự kiện chứ không phải dạy con số. Bây giờ hỏi tôi, trong một trận đánh có bao nhiêu người chết, bao nhiêu người đầu hàng thì tôi cũng chịu!

- Ở các nước tiên tiến, họ xử lý vấn đề này như thế nào, thưa tiến sĩ?

- Ở các nước phát triển, trẻ thích nghi rất dễ dàng. Chẳng hạn như ở Nga, do trường học được tổ chức dưới hình thức liên thông từ TH lên THCS, THPT nên việc phải thích nghi học đường hầu như không có. Việc chuyển từ cấp TH sang cấp THCS chẳng qua chỉ là chuyển chỗ để HS có chỗ ngồi phù hợp với tầm vóc cơ thể thôi. Hơn nữa học sinh trong một lớp rất ít, chỉ có 18 HS nên cô giáo có điều kiện quan tâm giúp đỡ từng em.

- Tiến sĩ có thể đưa ra những lời khuyên để giúp HS bước vào lớp 1 cũng như chuyển cấp vượt qua bước ngoặt này?

- Theo tôi, ban giám hiệu các trường phải biết được hoạt động chủ đạo ở từng độ tuổi của HS, đề ra phương hướng và lồng ghép các kiến thức chuẩn bị chuyển cấp cho các em vào các hoạt động ngoài giờ. Mặt khác, phải nâng cao hiểu biết của người thầy về tâm sinh lý HS, điều mà đa số giáo viên còn rất yếu. Khi hiểu chưa tốt tâm sinh lý HS thì giáo viên khó ứng xử phù hợp. Về phía gia đình, với trẻ vào lớp 1, phụ huynh nên trò chuyện với trẻ, cho trẻ làm quen với sách, rèn luyện tính tập trung bằng cách tạo hứng thú cho con khi ngồi vào bàn học bằng những lời khen, động viên... Khi đưa con đến trường, cha mẹ hãy để cho trẻ độc lập, không nên bám sát con quá. Sau buổi tới trường, cha mẹ nên gợi chuyện để con kể lại những gì đã diễn ra vào những buổi học đầu tiên, chia sẻ những lo lắng, suy nghĩ của trẻ.

- Hiện có nhiều lớp học chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1, HS có nên tham gia khóa học này?

- Theo tôi, giáo viên của lớp dưới và cha mẹ của HS hoàn toàn có thể chuẩn bị đầy đủ cho các em. Cha mẹ nên nói trước cho con, khi đi học lớp 1 sẽ thế nào, ví dụ môn học nhiều, giáo viên khác với bậc mẫu giáo ra sao. Cha mẹ là những người đi trước, đã trải nghiệm khó khăn nên hãy tâm sự với con, truyền đạt cho các em những khả năng có thể xảy ra, việc theo học lớp chuẩn bị tâm thế thì chưa chắc đã là cần thiết.

- Xin cám ơn tiến sĩ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn bị tâm thế, bước qua “bước ngoặt”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.