Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa "thông" việc mở rộng phạm vi hoạt động của văn phòng công chứng

H.Vân| 28/05/2014 16:52

(HNMO) – Chiều 28/5, thảo luận tại hội trường về những điểm còn ý kiến khác nhau của dự luật Công chứng sửa đổi, các đại biểu khá băn khoăn với việc mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng.


Trước khi đi vào thảo luận, các đại biểu đã nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội tình bày báo cáo giải trình, tiếp thu những ý kiến còn khác nhau về dự thảo luật.

Về việc mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, giao công chứng viên thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao như các cơ quan hành chính nhà nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, các loại việc này đều là những việc mà các Phòng công chứng đã đảm nhiệm trong giai đoạn trước đây. Trong điều kiện và hoàn cảnh thực tế ở nước ta hiện nay, việc giao lại cho các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên nhiệm vụ công chứng bản dịch, chứng thực chữ ký và bản sao giấy tờ, văn bản như các cơ quan hành chính nhà nước sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận loại hình dịch vụ công này, đồng thời cũng không trái với các nguyên tắc cơ bản của Liên minh công chứng thế giới mà Việt Nam mới tham gia làm thành viên.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính chuyên môn hóa trong hoạt động công chứng, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định công chứng viên được thực hiện việc công chứng bản dịch giấy tờ từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và ngược lại, đồng thời được chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản nhưng chỉ giới hạn đối với các giấy tờ, văn bản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà mình đã công chứng hoặc đang thực hiện việc công chứng. Phòng tư pháp cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn thực hiện các công việc chứng thực theo quy định tại Nghị định 79/2007/NĐ-CP như hiện nay.

Đối với công chứng bản dịch giấy tờ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị giao cho công chứng viên nhiệm vụ công chứng bản dịch giấy tờ từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và ngược lại để nâng cao chất lượng của hoạt động công chứng, dịch thuật, đồng thời bảo đảm tốt hơn cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận dịch vụ chứng nhận bản dịch. Công chứng viên chịu trách nhiệm trước người yêu cầu dịch về tính chính xác của nội dung bản dịch và chứng nhận nội dung bản dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Để kiểm soát chất lượng bản dịch, tổ chức hành nghề công chứng cần lựa chọn cộng tác viên dịch thuật bảo đảm về uy tín, trình độ, đồng thời cộng tác viên dịch thuật phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung dịch theo quy định của pháp luật về dân sự.



Về các vấn đề trên, khi thảo luận trực tiếp tại hội trường, các đại biểu còn nhiều ý kiến băn khoăn.

Theo đại biểu Trần Thị Hiền – Hà Nam, việc dự luật mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng sang cả bản dịch, chứng thực chữ ký, bản sao… như vậy là đánh đồng hoạt động công chứng và chứng thực, nên giữ nguyên quy định cũ.

“Nếu công chứng viên được chứng thực giấy tờ thì các cơ quan chứng thực hiện nay có cần thiết phải tồn tại hay không, nếu vẫn tồn tại thì phải chăng chúng ta đã tạo ra hai mặt bằng giá trị pháp lý của cùng một đối tượng?”, đại biểu Hiền nêu vấn đề.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền – Thái Bình cho rằng, chứng thực là trách nhiệm cơ quan hành chính và đã được tách ra, phân cấp cho cấp xã và hiện cấp xã đang làm tương đối tốt, giải tỏa được ách tắc của các cơ quan công chứng trước đó. Nhưng với năng lực hiện nay của các phòng công chứng, việc giao thêm một số hoạt động chứng thực cho các phòng, văn phòng công chứng thì sẽ khó đáp ứng được yêu cầu, chưa chắc đã tạo thuận lợi cho người dân. Mặt khác, việc giao không hết phạm vi chứng thực bản sao hồ sơ như trong dự luật cũng sẽ gây khó khăn cho văn phòng công chứng. Do vậy, trước mắt, không nhất thiết phải giao thêm chức năng chứng thực này cho các phòng, văn phòng công chứng.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền – Lâm Đồng, trước đây, khi các phòng công chứng đảm nhận cả chức năng công chứng và chứng thực đã phải chịu áp lực lớn, khi tách ra đã giải quyết được bức xúc của dân, nhưng lại nảy sinh một số vấn đề không thuận lợi cho người dân, bởi nếu người dân vừa muốn công chứng, chứng thực thì lại phải đi hai nơi. Vì vậy, đại biểu Thuyền cho rằng, việc mở rộng phạm vi công chứng là để tạo thuận lợi cho người dân chứ không mâu thuẫn gì, quan trọng là nếu phòng công chứng làm công tác chứng thực thì phải thu phí thấp theo như quy định.

Đại biểu Hà Thị Lan – Bắc Giang cũng ủng hộ việc mở rộng phạm vi công chứng. Theo đại biểu, phạm vi công chứng hiện nay hẹp, chưa tạo thuận lợi cho người dân, chưa phát huy hết được chuyên môn sâu của các công chứng viên nên việc mở rộng là cần thiết.

Ngoài các nội dung trên, các đại biểu cũng cho ý kiến về nguyên tắc hàn nghề công chứng, việc giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên, thời hạn đào tạo nghề với công chứng viên, tổ chức xã hội ngành nghề của công chứng viên, lời chứng của công chứng viên…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa "thông" việc mở rộng phạm vi hoạt động của văn phòng công chứng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.