Pháp luật

Giới hạn thẩm quyền công chứng giao dịch bất động sản

Đình Hiệp 26/11/2024 - 17:23

Chiều 26-11, với 450/453 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Công chứng (sửa đổi).

phieu.jpg
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, dự thảo Luật có 8 chương và 76 điều, giảm 2 chương và 3 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội đầu kỳ họp thứ tám.

Một trong những nội dung đáng chú ý, liên quan đến thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản, Điều 44 Luật Công chứng (sửa đổi) quy định: “Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản, thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng về bất động sản và công chứng việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, hủy bỏ các giao dịch này theo quy định của pháp luật”.

tung.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo. Ảnh: quochoi.vn

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị không quy định công chứng giao dịch về bất động sản theo địa hạt cấp tỉnh.

Cụ thể, công chứng viên có quyền từ chối công chứng khi không đủ thông tin giao dịch về bất động sản, cho dù có quy định về công chứng giao dịch bất động sản theo địa hạt cấp tỉnh hay không. Trường hợp đã đủ thông tin, công chứng viên sẽ tiến hành công chứng và phải chịu trách nhiệm về việc công chứng giao dịch.

Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính xác thực, hợp pháp của giao dịch, bao gồm cả đối tượng của giao dịch. Trường hợp đối tượng giao dịch là bất động sản, ngoài việc kiểm tra các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng về bất động sản, trong trường hợp cần thiết, công chứng viên cần tiến hành kiểm tra, xác minh thực tế tại nơi có bất động sản để bảo đảm an toàn pháp lý.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thực hiện công chứng bất động sản theo địa hạt cấp tỉnh sẽ giảm thiểu rủi ro về công chứng, chứng thực nhiều lần đối với một bất động sản tại một thời điểm, đồng thời, bảo đảm thực hiện thống nhất, tránh việc áp dụng pháp luật tùy nghi phụ thuộc vào ý chí của từng công chứng viên, có thể gây ra sơ hở, lạm dụng.

Về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên (Điều 39), nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là bảo hiểm bắt buộc như dự thảo Luật trình Quốc hội tại đầu kỳ họp thứ tám (kế thừa Luật Công chứng hiện hành).

Quy định như dự thảo Luật bảo đảm chặt chẽ, khả thi, thống nhất với nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng trong việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giới hạn thẩm quyền công chứng giao dịch bất động sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.