(HNM) - Bất chấp mọi nỗ lực của cả Anh và Liên minh Châu Âu (EU), tiến độ đàm phán lộ trình Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit) vẫn chưa tiến triển đáng kể. Tại cuộc họp báo kết thúc vòng đàm phán thứ tư về Brexit cuối tháng 9 vừa qua, các Trưởng đoàn đàm phán của Anh và EU cho biết...
Thời gian gần đây, Chính phủ Anh đã có những động thái nhượng bộ, mềm mỏng hơn nhưng các quan chức EU vẫn kiên quyết lập trường, cần đạt được thỏa thuận rõ ràng về việc nước Anh rời khỏi khối cùng với các thỏa thuận thương mại tương lai giữa hai bên thời hậu Brexit.
Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier (phải) và Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh David Davis tại buổi họp báo. |
Vấn đề cần được giải quyết liên quan đến thỏa thuận “ly hôn” giữa Anh và EU phải kể đến trách nhiệm tài chính mà EU yêu cầu Anh phải hoàn thành, tương lai của các công dân Châu Âu tại xứ sở Sương mù sau Brexit, và vấn đề biên giới với Ireland.
Trong nỗ lực khơi thông cuộc đàm phán đang trong tình trạng bế tắc, Thủ tướng Anh Theresa May đã có một bài phát biểu hôm 22-9 vừa qua, thể hiện mong muốn đạt được một Brexit “mềm”, với đề xuất về một giai đoạn chuyển đổi là 2 năm. Tất cả những tuyên bố này, cả về nội dung lẫn phương thức thể hiện cho thấy, Chính phủ Anh đang dần thay đổi cách tiếp cận và đưa ra nhiều nhượng bộ. Điều này cho thấy, một mặt Chính phủ Anh ngày càng lo ngại hơn về tương lai bất định thời hậu Brexit. Mặt khác, vị thế chính trị suy yếu của chính phủ đảng bảo thủ trong nước sau cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn và sức ép từ thị trường buộc Chính phủ của bà May phải thay đổi. Dù bà T.May khẳng định, tôn trọng những cam kết tài chính mà nước Anh đã xác định với tư cách là thành viên của khối, nhưng vẫn chưa đưa ra con số cụ thể về “hóa đơn ly dị” nhằm đáp ứng nghĩa vụ tài chính với EU khi rời khỏi liên minh. Mong muốn của phía Anh là các vấn đề chủ chốt sẽ được đàm phán song song và đặc biệt “hóa đơn ly dị” phải gắn liền với các thỏa thuận về quan hệ tương lai giữa hai bên. Trong khi đó, quan điểm của EU từ trước tới nay là sẽ không đàm phán về tương lai trước khi đạt được một thỏa thuận về 3 ưu tiên chính trong giai đoạn đầu.
Trong bối cảnh này, lãnh đạo Công đảng đối lập Anh Jeremy Corbyn liên tục chỉ trích Thủ tướng T.May và nhóm đàm phán Brexit làm việc không hiệu quả. Ông J. Corbyn còn bi quan cho rằng, thỏa thuận Brexit khiến nước Anh phải đối mặt với quá nhiều bất lợi.
Theo kế hoạch, cả Anh và EU sẽ tiến hành giai đoạn 2 cuộc đàm phán dự kiến diễn ra trong tháng 10 tới. Như vậy, hai bên còn chưa đầy 18 tháng để hoàn tất cuộc đàm phán Brexit, dự kiến tháng 3-2019. Theo các nhà phân tích, nếu tiến trình đàm phán chậm như hiện nay thì mốc tháng 3-2019 là hoàn toàn bất khả thi. Đó có thể là lý do khiến bà T.May đưa ra một loạt nhượng bộ với phía Châu Âu. Cho đến thời điểm này, phía EU giữ nguyên quan điểm cứng rắn, đó là phải "chia tay" xong thì mới bàn đến tương lai. Nhưng các "mặc cả" chính trị luôn có thể thay đổi, Châu Âu cũng không được lợi gì nếu đàm phán Brexit đổ vỡ. Vì thế, có thể 27 nước Châu Âu cũng sẽ phải đưa ra các nhượng bộ nhất định để hướng tới lợi ích cho cả đôi bên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.