(HNM) - Hà Nội đã và đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp với nhiều hình thức đa dạng.
Chăm sóc đàn lợn tại Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Nhật Nam |
Những hạn chế
Hà Nội đã xây dựng, duy trì và phát triển 80 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thế nhưng, việc khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết còn hạn chế, bởi bình quân diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố hiện chỉ khoảng 0,46ha/hộ và được chia thành 2,83 mảnh/hộ gia đình. Quy mô đất đai nhỏ lẻ đã ảnh hưởng đến khả năng thu hút doanh nghiệp liên kết với các hộ nông dân để hình thành vùng nguyên liệu đủ lớn, có thể đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tối đa hóa hiệu quả sản xuất. Theo Giám đốc Công ty cổ phần Thịnh An (huyện Thanh Trì) Nguyễn Anh Tuấn, để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, doanh nghiệp cần nguồn vốn khá lớn và đất đai để xây dựng nhà xưởng. Vậy nhưng, hiện các doanh nghiệp không thể tiếp cận quỹ đất sạch của Hà Nội vì tiền đền bù giải phóng mặt bằng quá cao.
Thừa nhận thực trạng trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng: "Việc khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội đang gặp những khó khăn do thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng trở nên bấp bênh, không ổn định và những yêu cầu khắt khe hơn. Cùng với đó là sự hạn chế về khả năng cung cấp thông tin và nhận thức, tư duy ngắn hạn của cả doanh nghiệp và người dân, đang cản trở quá trình xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết ở quy mô lớn, dài hạn...".
Thực tế cho thấy, trên địa bàn thành phố đang thiếu doanh nghiệp đầu tàu là cầu nối giữa người sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp đẩy mạnh khâu tiêu thụ nông sản ra thị trường. Theo thống kê, hiện chỉ có từ 10% đến 15% số lượng nông sản của thành phố được tiêu thụ thông qua các tổ hợp tác và hợp tác xã, còn lại nông dân vẫn tự bán qua thương lái. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm an toàn Tâm Thành cho biết, nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ như: Đầu tư cơ sở hạ tầng chế biến; tổ chức hội chợ kết nối cung - cầu giữa người sản xuất với doanh nghiệp..., nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận với các chính sách ưu đãi về vốn để đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Để có đủ lượng hàng hóa cung cấp cho đối tác, doanh nghiệp không thể trực tiếp đi thu mua của hàng nghìn hộ dân mà phải thông qua hợp tác xã, nhưng do năng lực của các đơn vị này còn hạn chế, nên không cung cấp đủ hồ sơ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Lấy doanh nghiệp làm hạt nhân
Hiện nay, việc liên kết theo chuỗi giá trị có vai trò quan trọng đối với Hà Nội để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, hạn chế tình trạng "được mùa mất giá". Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội khi xây dựng chuỗi liên kết giá trị nên lấy doanh nghiệp làm hạt nhân, liên kết với các thành phần khác trong chuỗi giá trị.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường gợi ý, thành phố đứng ra làm trung gian dẫn dắt các doanh nghiệp lớn, đồng thời lưu ý đến việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương. Đây là nền tảng, khâu trung gian quan trọng để kết nối nông hộ nhỏ vào các chuỗi giá trị nông nghiệp một cách toàn diện và bền vững. Về phía các địa phương của thành phố, khi tiến hành xây dựng liên kết chuỗi cần đồng bộ từ khâu đầu vào đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ để kết nối với cả thị trường khu vực và thị trường nội địa. Ngoài ra, việc liên kết cũng giúp doanh nghiệp chủ động được nguyên liệu, tạo điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) Đặng Đình Tiên nhận định: "Để có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia vào liên kết chuỗi giá trị, các sở, ngành tham mưu cho TP Hà Nội tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tiếp cận quyền sử dụng đất lâu dài thông qua việc thuê đất, nhận việc góp vốn của hộ nông dân bằng quyền sử dụng đất. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất theo chuỗi bảo đảm sản phẩm đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm...".
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố, thời gian tới, Sở sẽ tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ đối với các loại nông sản chủ lực, có thế mạnh của thành phố như: Chăn nuôi, cây ăn quả, rau an toàn. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các huyện, thị xã hỗ trợ hợp tác xã, người dân trong việc thực hiện hợp đồng liên kết với doanh nghiệp để không xảy ra tranh chấp khi các bên phá vỡ hợp đồng nhằm bảo đảm lợi ích của các tác nhân khi tham gia chuỗi giá trị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.