(HNM) - Có một thực tế đang diễn ra ở TP Hồ Chí Minh cũng như ở nhiều địa phương khác là khi nghi ngờ thực phẩm mất an toàn, cơ quan chức năng mới tiến hành kiểm nghiệm. Khi có kết quả thì thực phẩm đó đã được tiêu thụ hết trên thị trường.
Việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ gần như bị "thả nổi". Ảnh: Nguyễn Lê |
Theo Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố chỉ có thể kiểm soát thực phẩm thông qua các chợ đầu mối. Tại đây, quy trình thực hiện cũng chỉ dừng lại ở khâu kiểm tra xem có giấy tờ hợp lệ hay không, còn việc lấy mẫu để kiểm nghiệm thực phẩm có bảo đảm an toàn lại rất khó khăn và không khả thi. Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Trung thừa nhận, đối với loại gà thả vườn gần như 100% không thể truy xuất được nguồn gốc. Nhằm hạn chế những rủi ro thiếu an toàn, dịch bệnh có thể xảy ra, TP Hồ Chí Minh đã đưa ra yêu cầu bắt buộc, tất cả các thực phẩm gia súc, gia cầm sau khi đã giết mổ mới được phép nhập vào thành phố. Tuy nhiên, thực tế là khi nghi ngờ thực phẩm thiếu an toàn, các cơ quan chức năng mới tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm. Cho nên, đến khi có kết quả kiểm nghiệm thì dù âm tính hay dương tính, thực phẩm đó đã được tiêu thụ hết. "Vì theo quy định hàng hóa có giấy tờ hợp lệ, không vi phạm thì không được phép tạm giữ. Hàng hóa đa phần lại là hàng tươi sống, muốn tạm giữ thì phải bảo quản lạnh, chất lượng chắc chắn giảm. Lỡ kết quả kiểm nghiệm là âm tính thì chúng tôi lấy tiền đâu ra để đền", ông Nguyễn Phước Trung cho biết.
Hiện TP Hồ Chí Minh có khoảng 12 chuỗi thực phẩm an toàn do Sở Y tế chủ trì, Sở Công thương và Sở NN&PTNT phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, hiện tại chưa có tiêu chuẩn chung về cung cấp chuỗi rau, thịt an toàn. Lý giải về điều này, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Trung cho biết, nếu đưa ra tiêu chuẩn quá cao thì các địa phương - nơi cung cấp nguồn rau, thịt - khó đáp ứng được, trong khi thành phố mong muốn cần phải có tiêu chuẩn tương xứng với đòi hỏi về mức độ an toàn.
Mới đây, các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra chuyên ngành để kiểm tra tất cả kho lạnh bảo quản thực phẩm động vật tươi sống, điều kiện vệ sinh tại các cơ sở giết mổ, chế biến, kinh doanh mặt hàng này. Việc tăng cường thanh, kiểm tra được tiến hành trong bối cảnh gần đây trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều điểm giết mổ và bảo quản sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc gây nhiều lo ngại đối với người tiêu dùng.
Theo thống kê, hiện có khoảng trên 80% lượng thực phẩm tươi sống tiêu thụ mỗi ngày tại TP Hồ Chí Minh được nhập từ các địa phương khác nên rất khó truy xuất được nguồn gốc. Đối với sản phẩm gia súc, Đồng Nai cung ứng cho TP Hồ Chí Minh khoảng 70%; với rau củ quả, Lâm Đồng cung ứng cho thành phố tới 80%. Ngoài các chợ đầu mối trọng điểm, mỗi ngày, hàng nghìn xe tải các loại vẫn "âm thầm" vận chuyển thực phẩm tươi sống đến hàng trăm chợ truyền thống trên địa bàn. Khối lượng thực phẩm trên dường như đang bị "thả nổi" bởi phần lớn không có bất kỳ loại giấy tờ gì để chứng minh an toàn. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, với vai trò là thị trường tiêu thụ chính của 22 tỉnh thành miền Đông và Tây Nam Bộ, yêu cầu đặt ra về an toàn thực phẩm là rất bức thiết tại TP Hồ Chí Minh.
Trước yêu cầu đặt ra này, Bộ NN&PTNT đã ban hành chương trình và kế hoạch phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hồ Chí Minh.
Mong muốn của Chính phủ cũng như Bộ NN&PTNT là thực phẩm sạch không chỉ để xuất khẩu mà trước tiên phải được tiêu thụ trong nước. TP Hồ Chí Minh với dân số khoảng 10 triệu người, là địa bàn tiêu thụ thực phẩm trọng điểm của các tỉnh phía Nam nên cần phải đi đầu trong việc này, từ đó nhân rộng ra các địa phương khác. TP Hồ Chí Minh phải kiểm soát được hàng hóa nhập vào thành phố và yêu cầu đầu tiên đặt ra là phải đạt tiêu chuẩn sản xuất an toàn. "Để làm được điều này, TP Hồ Chí Minh phải chủ động phối hợp với các địa phương để xây dựng nguồn cung ứng thực phẩm sạch, Bộ chỉ phối hợp và đưa ra các chính sách", ông Vũ Văn Tám nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.