(HNM) - Tại hội nghị tổng kết công tác khám, chữa bệnh năm 2014 tổ chức ngày 20-1, 13 bệnh viện (BV), trong đó có nhiều BV trên địa bàn Hà Nội như: Hữu nghị Việt - Đức, Nhi trung ương, Lão khoa, Nhiệt đới, Da liễu trung ương, Răng - hàm - mặt trung ương đã ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép.
Thông tin nêu trên đến với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và toàn xã hội với nhiều hy vọng tốt lành. Bởi lẽ chuyện quá tải, nằm ghép nhiều bệnh nhân một giường đã trở thành vấn nạn bức xúc trong đời sống xã hội nhiều năm qua và đã được đặt lên bàn nghị sự ở nhiều cấp. Nhưng đằng sau niềm hy vọng đó là không ít vấn đề.
Chủ đề giảm tải BV tuyến trên là câu chuyện không chỉ bây giờ mới được ngành y tế đề cập và công bằng mà nói, ngành này có nhiều nỗ lực như: Chuyển giao công nghệ cho BV tuyến dưới, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý công tác khám chữa bệnh, xây thêm các BV vệ tinh... Thực tế, lượng bệnh nhân được chuyển viện từ tuyến dưới lên tuyến trên đã giảm dần trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, tình trạng quá tải vẫn là căn bệnh trầm kha. Vì sao như vậy?
Khi đưa ra câu hỏi: Đâu là vấn đề cốt lõi của bài toán giảm tải cho BV tuyến trên? Hầu hết bác sĩ đều cho rằng: Đó chính là tâm lý người dân muốn điều trị bệnh một lần cho dứt điểm, do vậy, họ thường "lờ" tuyến dưới để lên thẳng thành phố. BV tuyến dưới có thể có trang bị tốt nhưng thiếu bác sĩ có chuyên môn nên bệnh nhân không tin. Rõ ràng, ứng dụng được kỹ thuật mới là chuyện nằm trong tầm tay, nhưng làm sao để từ đó bệnh nhân tin tưởng và khi có bệnh không "chạy" lên tuyến trên thì dường như lại là chuyện khác. Cũng có một sự thật khác là không ít BV tuyến trên luôn kêu quá tải nhưng có khi lại không muốn giảm tải vì đây chính là "nồi cơm" của họ. Đồng lương không đủ sống nên không ít bác sĩ phải mở phòng khám tư, đi "đánh thuê" ở BV tư và thu nhập chính của bác sĩ, điều dưỡng… chủ yếu từ lượng bệnh nhân quá tải. Trong khi đó, nếu muốn giảm tải thật sự, BV tuyến trên sau khi thăm khám, nắm rõ bệnh lý và với những ca bệnh đơn giản hoàn toàn có thể chỉ định bệnh nhân về tuyến dưới điều trị, như vậy vừa đỡ tốn kém cho họ vừa đỡ "quá tải". Thế nhưng trên thực tế, việc này hầu như không được thực hiện. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến số bệnh nhân chuyển viện từ tuyến dưới lên tuyến trên giảm đi nhưng bệnh nhân tự phát vẫn tăng.
Từ ngày 1-1-2015, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi chính thức có hiệu lực, bảo hiểm sẽ không chi trả đối với bệnh nhân khám vượt tuyến. Khi vượt tuyến lên BV trung ương, người bệnh chỉ được thanh toán 40% khi nằm viện điều trị nội trú; người đi khám, kê đơn, điều trị ngoại trú sẽ không được thanh toán. Đây cũng là một trong những giải pháp hy vọng sẽ góp phần giảm tải cho BV tuyến trên, để công tác khám chữa bệnh không rơi vào cảnh nơi quá tải, nơi đìu hiu như hiện nay.
Trở lại câu chuyện 13 lãnh đạo BV cam kết không để bệnh nhân nằm ghép cho thấy đây sẽ không phải là phát ngôn "suông" hay chạy theo "bệnh thành tích". Nhưng theo cách nói của vị Giám đốc BV Hữu nghị Việt - Đức được nhiều tờ báo đăng lại rằng: "BV tôi cam đoan bệnh nhân không phải nằm ghép, nhưng khi vào thì có thể phải nằm cáng để dễ di chuyển"... thì xem ra câu chuyện "không nằm ghép" sẽ còn tiếp tục gặp "khó". Và không "khó" sao được khi trên các phương tiện truyền thông thi thoảng lại xuất hiện những thông tin như: Tiêm nhầm vắc xin, bác sĩ kê nhầm đơn thuốc; cơ sở vật chất của nhiều BV xuống cấp; hệ thống trạm y tế xã, phường nay gần như chỉ làm công tác y tế dự phòng, mất dần chức năng khám, điều trị bệnh như trước đây từng làm...
Với những bất cập như vậy, xem ra việc chữa bệnh "lòng tin" mới là nguyên nhân chính của căn bệnh quá tải BV hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.