(HNM) - Tại Đảng bộ Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội có hiện tượng chậm chuyển sinh hoạt Đảng cho đảng viên nghỉ hưu. Chuyện tưởng đơn giản, nhưng hóa ra lại khá phức tạp.
Trước hết là vì đảng viên về hưu thường ngại sinh hoạt Đảng với cơ quan cũ, nên tình trạng bỏ bê, không sinh hoạt thường diễn ra. Trong khi đó, nơi họ cần được tham gia sinh hoạt như chi bộ ở địa bàn dân cư hay cơ quan mới (với những đảng viên tiếp tục đi làm) thì lại không có quyền tham gia. Cá biệt, có trường hợp cán bộ nghỉ hưu bị chậm chuyển sinh hoạt Đảng lại có dấu hiệu thay đổi hẳn so với khi đương chức. Trước đây, trong các cuộc họp chi bộ, có đảng viên ít tham gia ý kiến; nay ở vị thế khác lại thường xuyên phát biểu, trong đó có nhiều ý kiến trái chiều, thiếu tính xây dựng, thậm chí gây mất đoàn kết nội bộ. Đây là sự cảnh báo về hệ quả khó lường của việc chậm chuyển sinh hoạt Đảng, một trong những vấn đề nghiệp vụ công tác Đảng cần được quan tâm.
Vấn đề chậm chuyển đảng chính thức cũng đã được Đảng bộ Khối các cơ quan TP Hà Nội chỉ ra và yêu cầu một số Đảng bộ trực thuộc chấn chỉnh. Không riêng vấn đề trên, hiện nay, còn nhiều tồn tại khác do nghiệp vụ công tác Đảng của cán bộ cấp ủy còn hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức. Đó là tình trạng báo cáo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy cấp trên không đầy đủ, chung chung, sơ sài; nộp báo cáo không đúng thời hạn; không thực hiện đúng hướng dẫn của cấp ủy cấp trên.
Sơ kết công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm 2014, Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý các cấp ủy Đảng thành phố về hạn chế rất không đáng có về mặt nghiệp vụ công tác Đảng là: "Phương pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ còn thiếu khoa học, không đồng bộ", đặc biệt có tình trạng "chưa nghiên cứu kỹ văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên nên một số nội dung triển khai chậm, lúng túng, chất lượng hạn chế".
Thời gian qua, nhiều cấp ủy Đảng báo cáo về việc mở hàng trăm lớp bồi dưỡng lý luận chính trị. Những lớp học này đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, để khắc phục những hạn chế về mặt nghiệp vụ như đề cập ở trên, không chỉ cần bồi dưỡng về kỹ năng, kiến thức chuyên môn về nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng mà còn cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác cho cán bộ cấp ủy, đảng viên. Điều này đòi hỏi người đứng đầu phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.