(HNMO) – Chiều 20-8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và các cơ quan sở, ngành đã đi thị sát và làm việc với UBND quận Tây Hồ về việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến GPMB 3 dự án lớn đi qua địa bàn quận là cầu Nhật Tân, Vành đai II và đường Văn Cao – Hồ Tây.
Dự án xây dựng cầu Nhật Tân: Vướng do người dân kiến nghị giá đền bù
Theo UBND quận Tây Hồ, ở dự án xây dựng cầu Nhật Tân, trên địa bàn quận phải thu hồi 27,5 ha, ảnh hưởng đến 804 hộ và 4 cơ quan. Đến nay, quận đã phê duyệt được 794/804 phương án, bồi thường 678 tỷ đồng, bố trí 320 căn hộ tái định cư, thu hồi được 25,91 ha (đạt 94,2%). Hiện còn phải thu hồi mặt bằng từ 154 hộ, trong đó có 18 hộ đã nhận nhà, nhận tiền phương án nhưng không bàn giao mặt bằng; 103 hộ không hợp tác, đã phê duyệt phương án; 33 hộ đang điều tra, chưa phê duyệt phương án.
Khó khăn ở dự án này là, 103 hộ gia đình không hợp tác đang đề nghị đối thoại với lãnh đạo TP và điều chỉnh giá đất ở theo Quyết định số 27/2013/QĐ-UBND ngày 18/7/2013 UBND TP Hà Nội. Về tái định cư, các hộ dận yêu cầu được bố trí m2 sàn tái định cư bằng m2 sàn thực tế được bồi thường.
Tại buổi làm việc, UBND quận Tây Hồ bày tỏ quyết tâm trong tháng 10/2013 hoàn thành GPMB nhưng do khối lượng công việc còn lớn và phức tạp nên đang “khất” TP đến 31/12/2013 mới xong GPMB. Trong tháng 9/2013 sẽ cưỡng chế 1 số hộ đợt 1; đến tháng 11/2013, nếu các hộ còn lại không hợp tác quận sẽ tiếp tục tổ chức cưỡng chế.
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo kiểm tra thực địa việc GPMB cầu Nhật Tân trên địa bàn quận Tây Hồ chiều 20/8. |
Dự án đường Vành đai II: Công tác GPMB còn nhiều vướng mắc
Bên cạnh đó, với dự án đường Vành đai II, có tổng diện tích cần thu hồi đất trên địa bàn quận là 21,094 ha, ảnh hưởng đến 576 hộ và 8 cơ quan. Đến nay, quận đã phê duyệt 457 phương án (đạt 78%), bồi thường hỗ trợ 467 tỷ đồng, bố trí được 32 căn tái định cư, thu hồi được 17,7 ha (đạt 84%).
Với dự án này, còn phải thu hồi 29 phương án đất nông nghiệp. UBND phường đang xác nhận bổ sung về quá trình chia tách, chuyển nhượng và giải quyết tranh chấp làm cơ sở để Hội đồng phê duyệt. Bên cạnh đó, còn cần thu hồi 98 phương án đất ở, 2 phương án đất cơ quan.
UBND quận đề xuất UBND TP cho phép phê duyệt điều chỉnh 71 phương án đã phê duyệt hệ số K=1,5 được điều chỉnh theo chính sách chung của dự án là K=1,8 để đảm bảo công bằng và sớm GPMB toàn bộ dự án. Quận cũng đề nghị UBND TP cho phép thu hồi diện tích đất nông nghiệp ngoài chỉ giới GPMB của 18 hộ phường Nhật Tân như các hộ phường Xuân La; Đề nghị Tòa án sớm xét xử đơn của 2 hộ gia đình bà Nguyễn Thị Mứt và ông Nguyễn Ngọc Thông để sớm GPMB gói thầu 1a.
Hơn nữa, UBND quận cho biết đã thống nhất với Sở GTVT cam kết với Ngân hàng thế giới trong tháng 10/2013, GPMB xong đất nông nghiệp, tháng 4/2014, GPMB xong toàn bộ dự án.
Đường Văn Cao – Hồ Tây: GPMB mới đạt 36%
Với dự án đường Văn Cao – Hồ Tây, có diện tích thu hồi 4,712 ha, ảnh hưởng đến 364 hộ và 7 cơ quan. Ở dự án này đã phê duyệt 287 phương án, đạt 77%, bồi thường hỗ trợ 360 tỷ đồng, bố trí 318 căn hộ tái định cư, 202 hộ và 6 cơ quan đã bàn giao mặt bằng; diện tích thu hồi đất mới được 1,7 ha (bằng 36%).
Hiện còn 35 hộ đã phê duyệt phương án nhưng chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng; 47 hộ tập thể Bảo tàng Hồ Chí Minh chờ kết quả của Tòa án; 78 hộ tập thể Bộ Tư lệnh công binh; 3 hộ có một phần ngoài chỉ giới chưa phê duyệt phương án. Theo đó, quận đề xuất UBND TP sớm làm việc với Bộ Quốc phòng để giải quyết dứt điểm 71 hộ gia đình thuộc khu tập thể Bộ Tư lệnh công binh; đề nghị Tòa án xử lý dứt điểm 47 hộ khu tập thể Bảo tàng Hồ Chí Minh… Bên cạnh đó, quận cũng đã lên kế hoạch trong tháng 9, 10/2013 cưỡng chế với một số hộ chưa nhận tiền, nhà tái định cư.
Gấp rút GPMB, đảm bảo chính sách bồi thường thống nhất trong từng dự án
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các sở, ngành, và Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhận định: Công tác bồi thường, GPMB là công việc rất khó khăn phức tạp vì không chỉ liên quan đến kinh tế mà cả đến an sinh, xã hội… Trong thời gian vừa qua, TP đã chỉ đạo các quận, huyện vượt qua khó khăn, thực hiện GPMB với khối lượng lớn. Có những dự án, như đường vành đai 3 trên cao, số vốn GPMB là 5000 tỷ đồng, gấp 10 lần giá trị xây lắp. Với dự án cầu Nhật Tân, phần lớn mặt bằng đã GPMB xong, còn vướng ở Sóc Sơn 300 hộ và phía Nam cầu Nhật Tân hơn 100 hộ.
Nguyên nhân vướng trong GPMB được Chủ tịch xác định do cơ chế chính sách thường xuyên thay đổi. Cụ thể như việc chậm GPMB đường dẫn cầu Nhật Tân do chuyển cơ chế chính sách từ Nghị định 84 của Chính phủ, sang Nghị định 69, dự án lại phải tính toán bồi thường lại từ đầu, việc hỗ trợ tăng gấp 5 lần trong điều kiện ngân sách hạn hẹp. Hơn nữa, việc GPMB chậm do một bộ phận nhân dân chưa chấp hành chính sách của nhà nước. Bên cạnh đó, tính năng động của các cơ quan của TP còn kém; sự vào cuộc của hệ thống chính quyền yếu.
Tới đây cần tập trung cả bộ máy chính quyền cho công tác GPMB, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm kỷ cương. Với quận Tây Hồ, sau khi đi thị sát hiện trường, Chủ tịch chỉ đạo với đường dẫn phía Bắc cầu Nhật Tân, tập trung GPMB để giao cho nhà thầu trong tháng 9. Với 103 hộ ở phía Nam cầu Nhật Tân là khu vực hết sức khó khăn, trong tháng 10 quận phải triển khai các biện pháp để có thể bàn giao cho nhà thầu. Để thực hiện đúng tiến độ, TP giao cho UBND quận Tây Hồ kiến nghị cơ chế chính sách phân loại đến từng đối tượng để Sở Tài chính, Ban chỉ đạo GPMB… và Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Khôi xem xét quyết định theo nguyên tắc thống nhất, công bằng trong dự án (thống nhất về giá bồi thường K, giá tái định cư); có chính sách khích lệ những người gương mẫu trong GPMB. Giải quyết bồi thường cho từng hộ một theo cơ chế đặc thù.
Mặt khác, Chủ tịch yêu cầu với Ban quản lý Thăng Long phải yêu cầu nhà thầu linh hoạt trong tổ chức thi công, nơi nào có mặt bằng thi công ngay.
Bên cạnh đó, Chủ tịch giao các ngành bám sát cơ chế chính sách của TP giải quyết kịp thời cho từng dự án vào tuần tới; triển khai đồng bộ các giải pháp, quyết không để tiến độ GPMB bị chậm hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.