Sáng 30-11, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đã thăm, làm việc tại tỉnh An Giang.
Cùng tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu.
Tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang, Đại tá Nguyễn Thượng Lễ cho biết, tỉnh An Giang có đường biên giới dài gần 100 km, đi qua 5 huyện, thị xã, thành phố và 18 xã, phường, thị trấn biên giới; tiếp giáp với hai tỉnh Tà Keo và Kan Dal của Vương quốc Campuchia. Khu vực biên giới có 4 dân tộc sinh sống gồm: Kinh, Hoa, Chăm và Khmer. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền các cấp, đời sống nhân dân vùng biên giới từng bước được nâng lên…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận và đánh giá, thời gian qua, lực lượng biên phòng tỉnh đã tổ chức quán triệt triển khai toàn diện các mặt công tác biên phòng năm 2019, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về biên giới quốc gia; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng thực hiện tuần tra, bảo vệ biên giới và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội khu vực biên giới.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian tới, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cần tiếp tục nắm chắc tình hình biên giới, phối hợp với lực lượng chức năng đấu tranh ngăn ngừa các loại tội phạm biên giới, xuyên biên giới, xâm phạm an ninh quốc gia... Với địa hình biên giới nhiều đường mòn, kênh rạch, lực lượng biên phòng cần làm tốt công tác phòng chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, xử lý các vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Mỗi người dân là một cột mốc sống. Công tác tại biên cương Tổ quốc nên cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh An Giang cần tiếp tục thực hiện tốt công tác vận động, giúp nhân dân biên giới phát triển sản xuất, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng nông thôn mới, là những “thầy giáo quân hàm xanh” đóng góp phát triển giáo dục tại địa bàn đóng quân".
Cùng với đó, lực lượng biên phòng An Giang cần thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với chính quyền địa phương và lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia; làm tốt công tác phân giới cắm mốc, góp phần cùng các địa phương có chung đường biên giới với nước bạn sớm hoàn thành khoảng 16% còn lại của công tác phân giới cắm mốc Việt Nam - Campuchia, góp phần xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, từng đơn vị trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh phải thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Chia sẻ với những khó khăn, sự hy sinh thầm lặng của những người lính biên phòng, nhất là những cán bộ, chiến sĩ ở những đồn biên phòng xa xôi, hẻo lánh, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang cùng Đoàn đại biểu Quốc hội An Giang trao đổi, đóng góp xây dựng dự án Luật Biên phòng Việt Nam dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ chín; tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng khác thực hiện các nhiệm vụ được giao.
* Sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội đã tới tham quan vùng nuôi cá tra ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn Nam Việt tại xã Bình Phú (huyện Châu Phú, An Giang). Đây là vùng đầu tiên được áp dụng công nghệ cao vào nuôi cá tra tại Việt Nam, quy mô dự án là 600 ha.
Sau khi khảo sát thực địa về mô hình nuôi cá tra công nghệ cao và gặp gỡ nói chuyện với nhân dân xã Bình Phú, Chủ tịch Quốc hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang, huyện Châu Phú và đại diện doanh nghiệp.
Phát biểu tại đây, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ ấn tượng mô hình nuôi cá tra do tư nhân mạnh dạn đầu tư bằng công nghệ cao, đó là việc điều khiển trên máy tính hay bằng điện thoại thông minh trong việc cho cá ăn, hay việc cấp nước và tiêu nước trong hồ nuôi cũng được thực hiện bằng điều khiển tự động. Doanh nghiệp có quy trình khép kín trong việc tự sản xuất con giống, nuôi, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra tới trên 100 nước…
Hiện doanh nghiệp Nam Việt thu hút trên 6.000 lao động, nếu dự án hoàn thành có khả năng thu hút khoảng 8.000 lao động địa phương. Chủ tịch Quốc hội cho rằng lãnh đạo tỉnh An Giang và huyện Châu Phú cần xem đây là mô hình đầu tư cho nông nghiệp nông thôn khai thác tốt thế mạnh của tỉnh đầu nguồn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, góp phần dần đưa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ngày càng hiện đại, tập trung, sản xuất lớn, hình thành nên những sản phẩm có thương hiệu để xuất khẩu, tăng kim ngạch, nâng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn cũng như tập quán nuôi trồng; tạo điều kiện để nông dân tham gia vào dự án, là vệ tinh cho hoạt động nuôi trồng của doanh nghiệp…
Bày tỏ ấn tượng về việc nuôi cá bằng smartphone, bằng laptop, nhiều đoàn khách quốc tế đã đến khảo sát, tìm hiểu nguồn nguyên liệu, Chủ tịch Quốc hội mong muốn doanh nghiệp Nam Việt tiếp tục phát triển dự án này, chú ý đến công tác bảo vệ môi trường; đồng thời, ghi nhận các kiến nghị về chính sách đất đai cho các doanh nghiệp sản xuất quy mô tập trung, sản xuất lớn như mở rộng mức hạn điền lên trên 30 ha/cá nhân.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trước khi tiến hành xem xét, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội sẽ mời đại diện các doanh nghiệp tới dự hội thảo để chia sẻ, lắng nghe các ý kiến từ thực tiễn cuộc sống; đồng thời sẽ đề nghị các ngân hàng nghiên cứu về mức lãi suất hợp lý, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để người nông dân có cuộc sống ngày càng nâng cao.
* Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đã đi thăm và trao quà tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Tạ Thị Bài và gia đình thương binh Đỗ Minh Liên tại thành phố Châu Đốc, An Giang.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.