Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước yêu cầu Ban Kinh tế Trung ương tập trung nghiên cứu tìm giải pháp xử lý ngay vấn đề nợ công, nợ xấu.
Sáng nay (30/9), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương về tình hình thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Chủ tịch nước làm việc với Ban Kinh tế Trung ương. |
Báo cáo với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về tình hình thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2011 – 2014, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho biết, mô hình tăng trưởng của nước ta những năm gần đây có chuyển biến bước đầu từ chiều rộng sang chiều sâu, chú ý hơn đến chất lượng tăng trưởng. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Năm 2013, đã cơ bản chặn được đà suy giảm kinh tế. Lạm phát được kiểm soát, tỷ lệ lạm phát đã giảm từ mức hơn 18% năm 2011 xuống 6,8%.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực trọng tâm đạt được một số kết quả bước đầu có tác động tích cực đối với ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, cơ cấu lại đầu tư công bước đầu khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, giảm đầu tư có tính chất đầu cơ, cơ cấu đầu tư có chuyển biến hợp lý hơn, hiệu quả đầu tư công được cải thiện tuy còn khá khiêm tốn; Đã quan tâm xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc đối với sản xuất kinh doanh, thực hiện các giải pháp sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, nhất là cổ phần hóa.
Tuy nhiên, báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ ra rằng, nền kinh tế nước ta còn bộc lộ những hạn chế yếu kém, mô hình tăng trưởng chưa có sự đổi mới rõ rệt theo chủ trương của Đảng; nền kinh tế vẫn chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng, còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về vốn, tài nguyên. Năng suất lao động tuy có cải thiện, nhưng còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khi vực, hiện đang kém từ 2 – 15 lần so với các nước ASEAN.
Hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả đầu tư thấp. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn về dài hạn. Chưa có giải pháp hữu hiệu mang tính chiến lược và dài hạn để huy động tối đa nguồn lực xã hội...
Tại buổi làm việc, các chuyên gia kinh tế đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến mô hình tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, mô hình tăng trưởng của nước ta sẽ dựa trên năng suất và hiệu quả hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững. Về phương thức thực hiện là tăng trưởng dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu; trong đó lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo, được thực hiện trên nền tảng thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu cấp chiến lược, tuy mới tái lập được 2 năm, song Ban đã có 1 số sản phẩm đáng chú ý, như tham gia báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới; Báo cáo sơ kết 5 năm thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và báo cáo sơ kết chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Ban Kinh tế Trung ương cũng là cơ quan có chức năng thẩm định các đề án của Chính phủ. Những công việc làm được trong thời gian vừa qua cho thấy, Ban Kinh tế Trung ương đang từng bước đáp ứng thực hiện chức năng mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao phó.
Đề cập đến báo cáo thực hiện Chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, Chủ tịch nước đề nghị, Báo cáo cần rà soát kỹ những mặt được cũng như những hạn chế. Khi đánh giá phải căn cứ chỉ tiêu số lượng và chất lượng tác động như thế nào đến nền kinh tế, đồng thời so sánh mục tiêu đại hội với Nghị quyết chuyên đề. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, Chủ tịch nước nhấn mạnh việc đánh giá tăng trưởng nền kinh tế cần phải nhìn rộng ra các nước. Ban kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu cần đặc biệt chú ý yếu tố chất lượng nhân lực, mỗi người phải phát huy tính phản biện và tranh luận để đi đưa ra quyết sách đúng vì lợi ích cho nước, cho dân.
Chủ tịch nước cũng lưu ý rà soát lại chủ trương loại bỏ chính sách chưa đúng, đẩy mạnh đổi mới thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật để chủ trương đưa ra kịp thời đi vào cuộc sống.
Chủ tịch nước yêu cầu, Ban Kinh tế Trung ương tập trung nghiên cứu tìm giải pháp xử lý ngay vấn đề nợ công và nợ xấu, khắc phục những tồn tại của các doanh nghiệp nhà nước nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đồng thời tạo cơ chế thông thoáng khơi nguồn, giải phóng sức sản xuất cho doanh nghiệp tư nhân.
Chủ tịch nước gợi mở để xây dựng nền kinh tế sản xuất phải có chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ, đào tạo nhân lực, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn lĩnh vực dư địa phát triển của nước ta còn rất lớn.
Nhất trí với ý kiến của các chuyên gia về xác định trách nhiệm cá nhân, Chủ tịch nước lưu ý vấn đề này cần được xem xét khi đóng góp vào văn kiện chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XII sắp tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.