(HNM) - Có lẽ với dư luận bây giờ đề tài về cảnh sát giao thông (CSGT) được cho là khá "nhạy cảm". Chính vì thế, khi Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang phát biểu trong cuộc họp hôm đầu tuần rằng "mỗi ca trực, tiền bồi dưỡng của mỗi chiến sĩ CSGT chỉ mua được cái bánh mì" thì ngay lập tức phát ngôn này đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Cùng với người đứng đầu ngành công an, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng đề nghị "cần có cơ chế bồi dưỡng cho CSGT làm việc trong ngày nghỉ, ngoài giờ"…
Thực tế thì lực lượng CSGT phải làm nhiệm vụ hằng ngày trên các cung đường, tuyến phố rất vất vả. Họ phải dãi nắng dầm mưa, làm việc trong những môi trường độc hại, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Như vậy họ xứng đáng được quan tâm, bồi dưỡng. Thế nhưng, điều mà dư luận quan tâm chính là câu hỏi: Nhà nước quan tâm, lo từ việc bồi dưỡng ca trực cho CSGT rồi liệu họ có nâng cao được chất lượng công việc, đặc biệt là có giảm được những tiêu cực đã trở nên bức xúc trong thời gian qua?
Về chuyện mãi lộ, cũng có người cho rằng lỗi từ chính người dân, rằng nếu dân không phạm luật, không hối lộ thì chắc chắn không có chuyện nhận mãi lộ. Song cũng cần đặt vấn đề ngược lại, nếu CSGT không nhận mãi lộ mà nghiêm khắc xử lý vi phạm thì liệu người dân có dám vi phạm. Người dân sẽ phải cân nhắc trước việc sẽ bị xử lý thay vì chặc lưỡi rằng nếu "chẳng may" sẽ "lo" được bằng tiền. Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng, việc bồi dưỡng cho cảnh sát tuần tra sẽ giảm bớt tiêu cực. Điều này được lý giải bởi mức lương của CSGT cấp hàm thiếu úy, trung úy hiện chỉ từ 5 đến 6 triệu đồng. Theo Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt thì đồng lương này không đủ tiền xăng xe đi lại. Nói thế chẳng sai, nhưng cũng chưa đúng. Thực tế, lương theo ngạch bậc thì không riêng ngành công an, các ngành khác cũng như vậy, và họ cũng vẫn phải chăm nuôi gia đình, vẫn phải đi lại, phải xăng xe… Tất cả đều trông vào khoản lương ấy. Trong khi, theo một quy định có hiệu lực từ năm 2011 thì sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, nhân viên và lao động hợp đồng ngành công an hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước đều được hưởng phụ cấp công vụ 10%.
Tất nhiên, nêu ra điều này không phải để ngăn cản việc cân nhắc bồi dưỡng công vụ với CSGT. Sự thực là từ trước đến nay Nhà nước đều đã rất quan tâm đến đời sống, điều kiện làm việc của lực lượng này. Vì thế, điều cần đặt ra bây giờ để nâng cao chất lượng công việc của CSGT, giảm những hành vi tiêu cực trong lực lượng có lẽ phải là việc xem trọng chữ "liêm". Tức là muốn nâng chất lượng công vụ của CSGT thì pháp luật phải được thực thi đúng, quy tắc nghề nghiệp phải được tôn trọng, mọi vi phạm phải được xử lý nghiêm túc, không có sự bao che, dung túng. Làm tốt được việc này sẽ như mũi tên trúng hai đích, mang tính răn đe, ngăn chặn người dân vi phạm và cũng là lời cảnh báo cho những cảnh sát có ý định "phạt" không biên lai. Nguyên tắc là "làm tốt có thưởng" sẽ hiệu quả hơn là "cào bằng", để rồi mọi chuyện đâu vẫn vào đấy, nhận tiền dưỡng liêm từ Nhà nước, nhưng cũng vẫn nhận cả tiền "bồi dưỡng" từ người vi phạm…!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.