Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động và phản ứng kịp thời hơn khi vận hành liên hồ thủy điện

Kim Nhuệ| 17/06/2022 20:08

(HNMO) - Chiều 17-6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Lê Minh Hoan dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra an toàn công trình đầu mối và hạ du thủy điện Hòa Bình.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai kiểm tra hạ du hồ thủy điện Hòa Bình.

Phát biểu tại buổi kiểm tra, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Phạm Hồng Phương cho biết, theo quy trình vận hành liên hồ chứa, trước ngày 15-6, hồ thủy điện Hòa Bình phải hạ mực nước về cao trình 105m, hồ Sơn La 200m để dành dung tích chứa khoảng 7 tỷ mét khối nước trong mùa lũ chính vụ năm 2022. "Lần xả này khác với năm 2018. Khi đó, mực nước hồ đã đầy phải xả để bảo đảm an toàn cho công trình. Còn lần này xả là để chủ động dành dung tích chứa lũ trong mùa mưa bão 2022...", Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Phạm Hồng Phương thông tin thêm.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, ngày 23-5, Bộ NN&PTNT đã có công văn đề nghị các đơn vị, địa phương vùng hạ du chuẩn bị các điều kiện cho việc vận hành xả lũ hồ thủy điện... "Đến 13h ngày 17-6, mực nước hồ thủy điện Hòa Bình ở cao trình 106,55m; hồ Sơn La ở cao trình 201,04m. Căn cứ mực nước thực tế và dự báo nguồn nước về hồ những ngày tới, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai lệnh các công ty thủy điện đóng một cửa xả đáy hồ Sơn La và Hòa Bình vào hồi 16h ngày 17-6", ông Trần Quang Hoài cho biết thêm.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình, ngay khi nhận được thông tin mở cửa xả đáy hồ thủy điện, Hà Nội và Hòa Bình đã yêu cầu các xã, phường vùng hạ lưu thông báo thời gian xả lũ để người dân biết, chủ động phòng tránh; đồng thời thành lập đoàn kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các điểm trọng yếu; các bến tàu, thuyền, các bến đò ngang, khu vực nuôi trồng thủy sản, khu vực hạ lưu đập có khả năng bị ảnh hưởng khi xả lũ...

Về thiệt hại, tỉnh Hòa Bình cho biết, tính đến chiều 17-6 đã ghi nhận khoảng 3 tấn cá các loại bị chết, sụt lún phía trong và ngoài tường bao Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hợp Thịnh, ngập úng một số diện tích cây trồng ven sông, bãi sông. Đặc biệt, ngày 15-6, khi 3 công nhân lao động tự do xuống tắm sông, nước chảy xiết đã làm 1 người mất tích. Sau khi nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã huy động 40 người, 5 thuyền tìm kiếm nhưng chưa có kết quả...

Tại thành phố Hà Nội, mưa lớn, kết hợp hồ thủy điện mở cửa xả lũ đã làm úng ngập khoảng 260ha sản xuất nông nghiệp thuộc các huyện: Thường Tín, Ba Vì, Mê Linh, Đông Anh. Bãi giữa sông Hồng, đoạn các quận Tây Hồ, Ba Đình bị ngập hoàn toàn. Tuy nhiên, các khu dân cư tập trung chưa bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng ghi nhận một số vị trí đê, kè xảy ra sự cố sạt lở...

Đánh giá cao công tác phối hợp vận hành hồ thủy điện, bảo đảm an toàn vùng hạ du, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Lê Minh Hoan đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chủ động, phản ứng kịp thời hơn khi vận hành liên hồ thủy điện. Tổng cục Phòng, chống thiên tai theo dõi tình hình ngập lụt vùng hạ du; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khí tượng thủy văn xây dựng bản đồ ngập lụt khi hồ thủy điện xả lũ... Tỉnh Hòa Bình và các địa phương hạ du thông tin kịp thời cho người dân chủ động phòng, tránh; tổ chức canh gác đê điều khi thay đổi dòng chảy... Tập đoàn Điện lực Việt Nam bổ sung thiết bị theo dõi, giám sát lưu lượng về hồ, xây dựng kịch bản đóng mở hồ để phản ứng kịp thời...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động và phản ứng kịp thời hơn khi vận hành liên hồ thủy điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.