Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động ứng phó vùng áp thấp mạnh lên

Kim Nhuệ| 12/10/2022 16:26

(HNMO) - Những ngày tới, Hà Nội nắng hanh về trưa và chiều, lạnh về đêm và sáng. Ảnh hưởng của vùng áp thấp mạnh lên, các tỉnh miền Trung xảy ra mưa rất to...

Đường đi của vùng áp thấp trên Biển Đông hồi 13h ngày 12-10.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, đêm nay (12-10) và ngày mai, thành phố Hà Nội không mưa, nắng hanh về trưa và chiều, lạnh về đêm và sáng sớm; nhiệt độ thấp nhất phổ biến 19-21 độ C, cao nhất 28-30 độ C.

Khu vực giữa Biển Đông đã hình thành một vùng áp thấp. Trong ngày 13-10, vùng áp thấp này có khả năng mạnh thành áp thấp nhiệt đới với sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao 3-5m, biển động mạnh.

Do ảnh hưởng của vùng áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh và gió Đông hoạt động mạnh nên từ đêm 13 đến ngày 16-10, các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện đợt mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200-500mm, có nơi cao hơn 600mm. Các tỉnh nêu trên có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở những vùng trũng thấp.

Để chủ động ứng phó, giảm tổn thất do các loại hình thời tiết, thiên tai nêu trên gây ra, ngày 12-10, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn có công điện yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Cà Mau khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn trên biển...

Trên đất liền, các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa lũ vừa qua; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân khi có mưa lớn. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính...

Theo thống kê của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, trên phạm vi toàn quốc xảy ra 4 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới, 206 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, 197 trận dông lốc, sét; 82 vụ sạt lở bờ sông, 226 trận động đất, 9 trận gió mạnh trên biển...

Thiên tai đã làm 139 người chết, mất tích, 211 người bị thương, 630 ngôi nhà bị sập, 15.729 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái. Bên cạnh đó, thiên tai còn làm 247.460ha lúa, hoa màu và 44.795ha cây trồng khác ngập úng, thiệt hại; 21.258 gia súc, 468.047 gia cầm bị chết, cuốn trôi; 335 thuyền bị chìm, hư hỏng; 17.561ha và 9.007 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Ngoài ra, thiên tai còn làm 255.903m đê, kè, kênh mương, 130 cầu, 228,95km đường giao thông bị hư hỏng... Tổng thiệt hại về kinh tế ước khoảng 5.167 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó vùng áp thấp mạnh lên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.