Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động ứng phó sự cố mất nước sạch

Dạ Khánh| 16/07/2019 06:04

(HNM) - Mùa hè năm nay, Hà Nội đã, đang đối mặt với nhiều đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ trung bình cao hơn nhiệt độ trung bình cùng kỳ nhiều năm trước. Nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tăng mạnh. Nhưng, từ đầu hè đến nay, Hà Nội đã cơ bản bảo đảm nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân. Mặc dù vậy, để đề phòng xảy ra sự cố đường ống, thành phố đã chủ động các giải pháp cấp nước cục bộ, không để người dân thiếu nước sạch kéo dài.

Thành phố Hà Nội xây dựng các giải pháp cấp nước dự phòng, như bổ sung cấp nước bằng xe stec tại khu dân cư.

Nhiều cải thiện, nhưng vẫn còn lo

Từ nhiều năm nay, tình trạng thiếu nước, mất nước sạch kéo dài, nhất là trong những ngày nắng nóng luôn là nỗi lo thường trực của nhiều người dân Hà Nội trong dịp hè. Nhưng, hè này nỗi lo ấy đã vợi đi. Minh chứng rõ nhất là qua nhiều đợt nắng nóng, công tác cấp nước sạch vẫn bảo đảm ổn định.

Tại Khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai), bà Vũ Phương Thảo (VP3, khu bán đảo Linh Đàm) cho hay: “Năm nay gia đình tôi không còn phải dùng xô chậu tích trữ nước như trước đây, mà mở vòi là có nước ngay”. Tương tự, tại ngõ 514 Thụy Khuê (phường Bưởi, quận Tây Hồ) - một trong những khu dân cư có cốt địa hình khá cao (hơn 1m so với mặt đường đi vào), ông Nguyễn Mạnh Đức (ngách 12, ngõ 614 Thụy Khuê) vui vẻ nói: “Năm nay được sử dụng nước sạch tương đối thoải mái, không còn cảnh xếp hàng hứng nước nữa”.

Tình hình cấp nước mùa hè năm nay đã có cải thiện đáng kể - đó là điều được nhiều người dân ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn có khu vực nước chảy về còn yếu. Ông Trần Đình Mạnh (số 95 - An Xá, phường Phúc Xá, quận Ba Đình) cho biết: "Khu dân cư số 3 (khoảng 250 hộ) nằm ở cuối nguồn, có cốt địa hình cao, nên những năm trước thường xuyên thiếu nước sạch. Năm nay, tình hình có cải thiện đôi chút, không bị mất nước kéo dài, nhưng nước chảy về còn yếu, tôi vẫn thường phải dậy từ 4-5h để bơm hút nước về bể. Nếu dậy muộn, đến 7-8h thì không còn nước mà bơm”.

Ngoài ra, ở các khu vực sử dụng nguồn nước sạch sông Đà, nỗi lo về thiếu nước, mất nước vẫn còn. Bởi, không chỉ băn khoăn về sự cố vỡ đường ống, gần đây (ngày 5-7) nhiều hộ sống ở các chung cư cao tầng tại quận Hoàng Mai còn lo lắng khi Công ty cổ phần Viwaco thông báo nguy cơ phải dừng cấp nước do tình trạng nước sông Đà xuống rất thấp, không đủ nước để sản xuất.

Chủ động các giải pháp

Công nhân vận hành kỹ thuật tại Nhà máy Nước Yên Phụ.    

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, hiện tổng công suất nguồn cấp nước tập trung của thành phố đạt khoảng 1,37 triệu mét khối/ngày - đêm; trong khi nhu cầu sử dụng nước trung bình của các hộ đã đấu nối với mạng lưới cấp nước tập trung khoảng 1,1-1,2 triệu mét khối/ ngày - đêm. Do vậy, ngay cả khi nhu cầu sử dụng nước tăng 5-10% trong dịp hè năm nay, Hà Nội vẫn bảo đảm đủ nguồn nước sạch cho người dân. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ cấp nước hè 2019 an toàn, đầy đủ, thành phố đã yêu cầu các công ty nước sạch rà soát, xây dựng giải pháp cụ thể đề phòng sự cố có thể xảy ra.

Ông Cao Hải Tháp, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Viwaco cho biết: "Đơn vị đã xây dựng các giải pháp cấp nước dự phòng như: Vận hành mạng lưới phân vùng cấp nước theo khu vực (cấp nước luân phiên); cấp bổ sung bằng xe stec, ưu tiên cấp tại bệnh viện, trường học, các khu dân cư ở khu vực bất lợi phải mất thời gian dài mới có nước trở lại sau khi sự cố được khắc phục... Với sự cố ảnh hưởng trên diện rộng như tuyến ống truyền dẫn DN1600-DN1500 Đại lộ Thăng Long, bên cạnh việc kịp thời thông báo cho khách hàng để có kế hoạch sử dụng nước tiết kiệm, công ty cũng khẩn trương khắc phục sự cố; báo cáo với UBND thành phố, Sở Xây dựng để chỉ đạo, phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội (Công ty Nước sạch Hà Nội) hỗ trợ cấp nước qua các điểm tiếp giáp giữa 2 công ty...

Ông Trần Quốc Đạt, Trưởng phòng Thanh tra Công ty Nước sạch Hà Nội cho hay, hệ thống nguồn cấp và mạng phân phối nước tại địa bàn công ty phụ trách giống kiểu “càng cua”, nên khi xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng không lớn. Song, để chủ động ứng phó, đơn vị đã bố trí lực lượng, thiết bị, vật tư dự phòng, ứng trực giải quyết sự cố, bảo đảm khắc phục trong vòng 12 tiếng...

Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông Lại Văn Thịnh chia sẻ, khi xảy ra sự cố, bên cạnh việc phối hợp với các đơn vị cấp nước, kết nối các nguồn cấp để bổ trợ cho nhau, công ty còn lên phương án điều tiết, cấp nước theo giờ, theo từng khu vực; thường xuyên kiểm tra bảo đảm an toàn mạng lưới, phát hiện, xử lý kịp thời sự cố nhằm bảo đảm ổn định tình hình cấp nước.

Theo Tổng Giám đốc Công ty Viwasupco (đơn vị sản xuất và cung cấp nước mặt sông Đà) Nguyễn Văn Tốn, để hạn chế ảnh hưởng từ sự cố rò rỉ, vỡ đường ống truyền dẫn, công ty đã hoàn thành đầu tư xây dựng Trạm bơm tăng áp Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) và 6,4km truyền dẫn, bảo đảm lưu lượng khoảng 220.000-240.000m3/ ngày - đêm, duy trì nguồn cấp ổn định cho khu vực nội đô. Việc đưa Trạm bơm Tây Mỗ vào hoạt động cũng sẽ giảm thời gian dừng cấp nước để sửa chữa (nếu có). Ngoài ra, đơn vị cũng chủ động kiểm tra, xác định các điểm xung yếu để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh xảy ra sự cố; chuẩn bị sẵn sàng vật tư dự phòng nhằm kịp thời khắc phục nếu xảy ra sự cố trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng Hà Nội cũng chủ động lên phương án điều tiết cấp nước khi xảy ra sự cố. Cụ thể, đối với sự cố vỡ ống, hoặc giảm áp lực nước trên tuyến ống truyền tải nước sạch sông Đà: Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống điều tiết, bổ sung nguồn cấp cho các công ty: Viwaco, Nước sạch Hà Đông. Khi có sự cố, hoặc bảo dưỡng, sửa chữa đường ống truyền dẫn Nhà máy Nước mặt sông Đuống thì Công ty Nước sạch Hà Nội vận hành tối đa công suất các nhà máy của đơn vị; Công ty Viwasupco tăng công suất, bổ sung nguồn cấp cho Công ty Viwaco, Nước sạch Hà Đông, Nước sạch Hà Nội bù đắp nguồn nước sạch thiếu hụt từ Nhà máy Nước mặt sông Đuống.

Với sự chủ động trước nhiều tình huống, công tác cấp nước sạch trên địa bàn thành phố sẽ ngày càng ổn định, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó sự cố mất nước sạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.