(HNM) - Theo Hiến pháp 2013, HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. HĐND quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND.
Quyền hiến định trên sẽ không thay đổi khi mấu chốt của tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội là tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền; xây dựng chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng tốt hơn nhu cầu chính đáng của người dân, bảo đảm Nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Vì thế, khi không tổ chức HĐND phường ở 12 quận và thị xã Sơn Tây, nhiệm vụ của thiết chế này sẽ được đặt lên “vai” nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để làm sao tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương.
Phải khẳng định rằng, khi không tổ chức HĐND phường thì quyền dân chủ và giám sát của nhân dân vẫn được bảo đảm, được tăng cường hơn bằng hình thức trực tiếp đối thoại với nhân dân của chính quyền phường hoặc gián tiếp qua các tổ chức, đoàn thể khác ở địa phương. Cụ thể, tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và trực tiếp người dân sẽ thực hiện giám sát việc tuân thủ pháp luật tại địa phương. Vì thế, tuyên truyền để chủ thể các thiết chế nói trên tăng cường trách nhiệm, nâng cao trình độ, trách nhiệm, ý thức cộng đồng để tham gia việc giám sát là việc cần làm thường xuyên, liên tục.
Cùng với nâng cao chất lượng hoạt động, HĐND quận, thị xã cần tăng cường giám sát UBND phường trong việc thực hiện các nhiệm vụ mà HĐND, UBND quận, thị xã giao thông qua hoạt động giám sát của các tổ đại biểu HĐND quận, thị xã. Đặc biệt, ít nhất 2 lần/năm, trước kỳ họp thường kỳ của HĐND quận, thị xã, Chủ tịch UBND phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân về những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của công dân ở phường mình. Đây là những việc mới đòi hỏi trách nhiệm cao của HĐND 12 quận, thị xã Sơn Tây và các đại biểu HĐND nhằm đáp ứng yêu cầu mới.
Để làm được tốt nhiệm vụ trên, điều không thể thiếu là HĐND thành phố Hà Nội tăng cường tổ chức các hội nghị giao ban chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động của HĐND, đặc biệt là hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề để đại biểu HĐND 12 quận, thị xã Sơn Tây, nhất là những đại biểu lần đầu tham gia cơ quan dân cử đủ kỹ năng hoàn thành nhiệm vụ. HĐND thành phố, tổ đại biểu HĐND thành phố tại các quận, thị xã cần nhận thức rõ hơn về vai trò của mình khi tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị; qua đó, nâng cao trách nhiệm giám sát các vấn đề ở đơn vị ứng cử, đưa tiếng nói của cử tri, nhân dân đến với nghị trường nhanh, chính xác nhất.
Bên cạnh đó, UBND các phường thuộc 12 quận, thị xã Sơn Tây và hệ thống chính trị ở cơ sở cần tăng cường trao đổi thông tin, giải đáp kịp thời các thắc mắc, kiến nghị của cử tri địa phương. Người dân, đặc biệt là cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần gương mẫu, tích cực đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền, nếu có kiến nghị, đề xuất gì cần tích cực góp ý qua tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp.
Sự chủ động từ nhiều phía khi không còn HĐND phường sẽ góp phần giúp Hà Nội thực hiện thí điểm thành công mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1-7-2021.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.