(HNM) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai của thành phố Hà Nội trong mùa mưa bão năm nay đặt ra càng nặng nề hơn. Nhận thức rõ yêu cầu này, đến nay, phương án ứng phó mưa bão lớn kết hợp phòng, chống dịch bệnh đã được các cấp, ngành, địa phương và người dân Thủ đô chủ động triển khai thực hiện.
Thực tế mùa mưa bão nhiều năm qua cho thấy, nếu xảy ra mưa lớn, ngập úng kéo dài sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như thiếu nước sạch, mất vệ sinh môi trường... Đây chính là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh sinh sôi. Đáng nói, cùng với các loại dịch bệnh thường xuất hiện khi xảy ra úng ngập dài ngày như tiêu chảy và nhiễm khuẩn đường ruột, sốt xuất huyết, da liễu, đau mắt đỏ... thì năm nay tình hình lo ngại hơn khi xuất hiện thêm dịch Covid-19.
Trong khi dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao thì thiên tai lại ngày càng phức tạp, cực đoan. Đặc biệt, nguy cơ ngập úng luôn thường trực đối với những vùng rốn lũ ở các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Ba Vì... Do đó, một thách thức rất lớn đặt ra cho những địa phương này là trong trường hợp xảy ra ngập úng kéo dài thì phải đồng thời thực hiện tốt hai nhiệm vụ là di dân đến nơi an toàn và phòng, chống dịch bệnh.
Hiện nay, mặc dù các ngành, địa phương đều đã có kế hoạch, phương án ứng phó nhưng vẫn phải nhận thức rõ thiên tai, dịch bệnh luôn khó lường, không tuân theo một quy luật nào, từ đó có giải pháp toàn diện và chủ động khi có tình huống xảy ra.
Muốn vậy, phương châm "4 tại chỗ" trong phòng, chống thiên tai (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và phương châm "4 tại chỗ" trong phòng, chống dịch bệnh (dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ) phải được các cấp, ngành, địa phương thực hiện triệt để, nghiêm túc. Trong đó, yêu cầu rất quan trọng là phải bố trí đầy đủ nhân lực (những người có sức khỏe tốt, kỹ năng xử lý tình huống cấp bách thuần thục...) và phương tiện, vật tư, nhu yếu phẩm thiết yếu để chủ động ứng phó thiên tai, dịch bệnh.
Đặc biệt, đối với các địa phương thường xảy ra úng ngập trong mùa mưa lũ cần thường xuyên kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị, các phương án ứng phó thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn để kịp thời bổ sung trong trường hợp cần thiết, cấp bách. Trong bối cảnh công tác ứng phó thiên tai năm nay có yêu cầu mới là phải kết hợp làm tốt việc phòng, chống dịch Covid-19, do vậy ngoài kỹ năng phòng, chống bão lụt, các ngành chức năng, chính quyền cơ sở cần tăng cường tập huấn kỹ năng cơ bản về dịch tễ, sơ cấp cứu ban đầu cho lực lượng thực thi nhiệm vụ ở địa phương.
Một biện pháp quan trọng khác cũng phải tiếp tục đẩy mạnh là phổ biến, tuyên truyền các quy định về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; thông tin thường xuyên tình hình thời tiết, các hình thái thiên tai hay xảy ra ở địa phương; tình hình dịch bệnh, nhất là diễn biến dịch Covid-19 và cách phòng bệnh. Trên cơ sở này, mỗi người dân, nhất là người đang sinh sống ở khu vực hay xảy ra úng ngập cần thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết, dịch bệnh để tự mình trang bị những kỹ năng cũng như đồ dùng thiết yếu, ứng phó một cách chủ động, kịp thời nhất trước các tình huống xảy ra.
Chủ động trong mọi tình huống sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân Thủ đô trong mùa mưa bão năm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.