Chiều 4-4, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Tới dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền.
Hơn 1.200 tỷ đồng cho tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều, đập, hồ chứa nước
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khẳng định, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực, như: 100% xã, phường, thị trấn đã thành lập lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai; xây dựng 7.983 tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và 22.153 điểm chữa cháy công cộng.
Các đơn vị, địa phương đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn, diễn tập phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Các cấp, các ngành đã đầu tư 1.048 tỷ đồng tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều, 174 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp công trình đập, hồ chứa nước…
Lực lượng công an, quân đội đã kịp thời huy động lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn… Nhờ đó, thành phố Hà Nội đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2023.
Nghiêm túc đánh giá, ông Nguyễn Xuân Đại cho rằng, một số đơn vị, địa phương vẫn còn tư tưởng chủ quan, như: Xây dựng phương án phòng, chống thiên tai chưa cụ thể, chưa sát thực tế; chế độ thông tin, báo cáo chưa đầy đủ, kịp thời; công tác xử lý, giải tỏa các vi phạm pháp luật đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai đạt hiệu quả chưa cao; việc đầu tư mua sắm trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…
Tham luận tại hội nghị, các đơn vị, địa phương chia sẻ kinh nghiệm xử lý vi phạm pháp luật đê điều, thủy lợi, đề xuất giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn...
“Hà Nội có nhiều ngõ nhỏ, nhiều khu chung cư cũ, hệ thống lưới điện chưa đồng bộ… Do vậy, thành phố cần đầu tư kinh phí bổ sung trang thiết bị thuận tiện, cơ động xử lý tại chỗ, kịp thời; nghiên cứu bổ sung các trạm quan trắc trên địa bàn trọng điểm và tăng thời lượng thông báo tình hình thiên tai, không bị động, bất ngờ trong xử lý các tình huống…”, Đại tá Đào Văn Nhận, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đề xuất.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Công đề nghị các quận, huyện, thị xã đôn đốc cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất, khu dân cư chủ động kiểm tra, phối hợp đơn vị có năng lực thực hiện cắt tỉa hệ thống cây xanh bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão; tăng cường duy trì, nạo vét hệ thống thoát nước đề phòng úng ngập khu dân cư, tuyến phố…
Sẵn sàng phương án “4 tại chỗ”
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của UBND thành phố tại Chỉ thị số 01 ngày 2-2-2024 của UBND thành phố về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024; khẩn trương đánh giá công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo, điều hành và xây dựng kế hoạch hoạt động cho năm 2024; kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành và phân công nhiệm vụ từng thành viên xong trước ngày 30-4.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát cập nhật, điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện và chuẩn bị đầy đủ nguồn lực theo phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng triển khai kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm cụ thể, chi tiết, sát với thực tế của địa phương, đơn vị; đặc biệt lưu tâm đến việc cập nhật kế hoạch phòng, chống thiên tai, sự cố hằng năm, phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro, phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm, phương án phòng chống úng ngập nội thành, ngoại thành, phương án phòng cháy, chữa cháy; chủ động kế hoạch hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và các lực lượng tham gia...
Các đơn vị, địa phương tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, tập huấn, diễn tập và nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn dưới nhiều hình thức; chủ động huy động nguồn lực thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục, đồng thời nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, sự cố…
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen cho 11 tập thể, 11 cá nhân đã có thành tích trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023.
Theo nhận định của Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ Võ Văn Hòa, do tác động của biến đổi khí hậu nên thời tiết, thiên tai những tháng tới có thể diễn biến phức tạp, khó lường.
Từ nay đến tháng 6, Hà Nội có khả năng xuất hiện 1-2 đợt mưa lớn trên diện rộng kèm lốc, sét, mưa đá. Khoảng nửa cuối tháng 5 và tháng 6, Hà Nội có thể chịu ảnh hưởng 4-6 đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 39-41 độ C.
Từ tháng 7, Hà Nội sẽ chịu ảnh hưởng nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm như: Nắng nóng, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn trên diện rộng... Trên sông Đáy, Bùi, Tích, Nhuệ, Cà Lồ có khả năng xuất hiện 3-5 đợt lũ và đỉnh lũ có thể đạt báo động từ cấp II đến cấp III…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.