(HNM) - Ngày 7-3, Bộ Công thương đã có Quyết định số 862/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép cán dài. Cụ thể, mức thuế đối với phôi thép là 23,3% dưới dạng thuế nhập khẩu và mức 14,2% đối với thép cán dài.
Đây là phản ứng phù hợp với thông lệ quốc tế và theo đề nghị hợp lý từ các nhà sản xuất thép trong nước và Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA). Tranh chấp, rào cản, hoặc phòng vệ thương mại - là hệ quả tất yếu khi mở cửa thị trường. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp (DN), cơ quan chức năng phải sẵn sàng, chủ động hơn khi gia nhập "sân chơi" quốc tế.
Sản xuất thép cây tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. |
Phòng vệ tạm thời với mặt hàng thép
Nhu cầu tiêu thụ các loại thép, nhất là thép xây dựng đang được "hâm nóng" trở lại do kinh tế hồi phục và thị trường bất động sản gia tăng thời gian gần đây. Dự báo, mức tiêu thụ sản phẩm thép sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2016. Đáng lẽ, đây là tín hiệu tốt và đáng mừng cho các nhà sản xuất thép trong nước, song hiện các DN này đang gặp khó khăn vì phải gồng mình đối phó với thép nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc.
Theo VSA, năm 2015 các DN Việt Nam đã nhập khẩu hơn 18 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm, tăng 3,5 triệu tấn so với năm trước. Thực tế cho thấy, hầu hết lượng thép nhập khẩu có giá bán ngang bằng hoặc thấp hơn thép cùng chủng loại của DN Việt Nam. Điều này đã khiến các DN trong nước chịu thiệt hại vì suy giảm thị phần, phải giảm công suất hoạt động, doanh thu và dẫn đến nguy cơ tồn kho lớn. Trước tình hình trên, ngày 7-3, Bộ Công thương đã có Quyết định số 862/ QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép cán dài. Cụ thể, mức thuế đối với phôi thép là 23,3% dưới dạng thuế nhập khẩu và mức 14,2% đối với thép cán dài. Thời gian áp dụng tối đa là 200 ngày và áp dụng với thép nhập từ tất cả quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là phản ứng phù hợp với thông lệ quốc tế và do đề nghị hợp lý từ các nhà sản xuất thép trong nước và VSA. 200 ngày chính là thời gian để các DN chuyển đổi mạnh mẽ về phương cách hoạt động, nhất là yêu cầu đầu tư, chuyển đổi công nghệ, nâng cấp dây chuyền sản xuất theo hướng hiện đại để tồn tại và cạnh tranh sòng phẳng.
Tôn trọng "luật chơi"
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA, không nên nhìn dưới một góc độ tuần túy, mà cần có nhìn nhận toàn cục, để dung hòa lợi ích kinh tế; trong đó tập trung vào quyền lợi của các DN thép Việt Nam. Trước hết, về lợi ích và tầm nhìn lâu dài, bền vững của ngành thép, cần xác nhận mục tiêu ưu tiên hàng đầu và lâu dài là cạnh tranh bình đẳng; từ đó dẫn đến cách lựa chọn, quyết định của mỗi đơn vị cụ thể thông qua đầu tư cho công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để tồn tại trên thị trường. DN phải tránh tâm lý dựa vào sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý vì điều đó không phù hợp với quy định, cũng như cách ứng xử trong thời hội nhập. Tuy vậy, trong hoàn cảnh cụ thể hiện nay, Bộ Công thương vẫn nên có biện pháp bảo vệ DN "nội" một cách hợp lý, phù hợp với các quy định của WTO. Đây cũng là một phản ứng thông lệ mà nhiều quốc gia đã, đang sử dụng như một biện pháp hữu hiệu trong việc bảo vệ sản xuất trong nước.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, hội nhập quốc tế tức là mở cửa thị trường, gắn liền với đặc điểm có tính bất biến là tiến tới xóa bỏ thuế quan. Đó chính là điều kiện và thách thức lớn nhất với các DN. Đây cũng là nội dung cam kết chủ yếu đối với các quốc gia trong giao thương quốc tế nói chung. Các DN đều được đối xử bình đẳng, không phân biệt và theo chuẩn chung của hoạt động thương mại quốc tế. Do đó, DN trong nước phải chủ động nâng cao sức cạnh tranh thông qua đổi mới công nghệ, trình độ quản lý thay vì trông chờ sự can thiệp, áp thuế từ cơ quan quản lý.
Thực tế cho thấy, sẽ không có cách ứng phó chung cho tất cả DN, đặc biệt ở những lĩnh vực khác nhau trong hội nhập quốc tế. Việc áp dụng biện pháp phòng vệ tạm thời đối với ngành thép là cần thiết và nhiều khả năng sẽ tiếp tục xảy ra với những ngành khác. Trước đây, ngành thép đã bị kiện bán phá giá, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên thắng kiện. Đây là minh chứng cụ thể để các DN, ngành khác rút kinh nghiệm, chủ động nâng cao năng lực, kiến thức trước khi bước vào "sân chơi" lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.