(HNM) - Mấy ngày nay, vải thiều Thanh Hà (thực ra là vải thiều của các huyện khác ở Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh…) đổ chợ Hà Nội với giá rất rẻ, chỉ 10.000 đồng/kg, còn ở các đại lý vải chỉ 5.000 đồng/kg.
Chính vì thế nên không riêng người trồng vải mà cả dư luận cũng rất vui trước thông tin do nhập được màng bảo quản từ nhựa cây, các chủ đồi vải đã giữ vải tươi lâu hằng tháng để có điều kiện mở ra thị trường mới như Nhật Bản, Australia, New Zealand…, đỡ rơi vào cảnh "được mùa rớt giá" như mọi năm - do phụ thuộc chỉ vào một thị trường duy nhất là Trung Quốc. Đáng nói là không chỉ có các chủ đồi vải phía Bắc, mà nhiều chủ vựa trái cây, doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản ở các tỉnh phía Nam mới đây cũng đã chủ động sang Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, thậm chí cả EU để mở rộng thị trường xuất khẩu cho thanh long, vú sữa, chôm chôm… Tuy lượng sản phẩm đến được với thị trường mới chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong sản lượng hoa quả năm nay, nhưng cũng đã hé ra tia sáng cho con đường tiến lên sản xuất lớn, đặc biệt là phá vỡ sự lệ thuộc vào một thị trường nước ngoài của nông sản Việt.
Không phải khi quan hệ giữa ta và nước láng giềng "có vấn đề" thì câu chuyện "được mùa rớt giá" của sản phẩm nông nghiệp mới được đặt ra. Thực tế là đã từ lâu, chúng ta luôn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra cho nông sản, từ gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hồ tiêu… cho đến các loại thủy, hải sản, trái cây… Có thể thấy đó là một lực cản lớn đối với sự phát triển kinh tế của một nước nông nghiệp như Việt Nam. Nguyên nhân chính là vì ta thiếu thị trường. Có thể vì chúng ta quá ỷ lại vào một thị trường được xem là gần gũi, "dễ tính", số lượng tiêu thụ lớn mà không tích cực mở rộng thị trường. Cũng có thể vì hàng của ta có giá cao, chất lượng thấp, chế biến kém nên không được các nước mặn mà. Nhưng dù nguyên nhân nào thì cũng có điểm chung là Việt Nam là nước chậm cải tiến trong sản xuất và kinh doanh, dẫn đến giá thành cao, chất lượng thấp, hàng sản xuất ra không có thị trường, hoặc chỉ có một thị trường duy nhất, dẫn đến tình trạng độc quyền thương mại, tùy tiện ép giá... Cũng chính vì thế nên giá nông sản của Việt Nam thường thấp nhất thế giới nếu so với cùng một loại sản phẩm, còn nông dân Việt Nam từ nhiều thập kỷ nay vẫn lao đao vì tình trạng "được mùa rớt giá". Và câu chuyện hàng nghìn tấn dưa hấu đổ đi ở cửa khẩu mới diễn ra trên dưới một tháng nay, hay hàng trăm tấn tôm cập cảng nước ngoài bị trả lại, hoặc mới nhất là hàng nghìn tấn vải thiều phấp phỏng chờ người mua… là những ví dụ điển hình.
Cha ông ta thường nói, trong cái rủi có cái may. Bối cảnh khó khăn hiện nay chính là thời điểm người Việt Nam, nhất là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cần phát huy tính chủ động, sáng tạo, nỗ lực tìm kiếm giải pháp tháo gỡ "rào cản" cho sự phát triển, từng bước phá vỡ thế lệ thuộc, mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm, hàng hóa trong nước. Đặc biệt là không chỉ nhằm đối phó khó khăn trước mắt mà còn xuất phát từ yêu cầu phát triển lâu dài, bền vững của nền kinh tế đất nước. Rõ ràng là phải luôn duy trì thế cầu lớn hơn cung, cùng một lúc có nhiều thị trường cho một loại hàng hóa, nhất là đối với những sản phẩm nông nghiệp vốn là thế mạnh của Việt Nam như vải thiều, dưa hấu, lúa gạo, tôm, cá tra…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.