Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động thích ứng để tạo hiệu quả phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế

Tiến Thành| 27/09/2021 12:49

(HNMO) - Sáng 27-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đồng chủ trì tọa đàm Tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội.

Là một hoạt động của Diễn đàn kinh tế - xã hội thường niên của Quốc hội, tọa đàm được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với địa điểm chính tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội) và một số địa phương trên cả nước. Tham gia tọa đàm có lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành, viện nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì tọa đàm.

Nhận diện các thách thức của dịch Covid-19 đến kinh tế - xã hội

Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá diễn biến của thị trường tài chính, đầu tư, thương mại toàn cầu năm 2021, đưa ra các dự báo tác động tới Việt Nam; nhận diện các thách thức của dịch Covid-19 đến đời sống kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, đưa ra các giải pháp phù hợp để thực hiện “mục tiêu kép”, tạo cơ sở cho việc khôi phục, phát triển kinh tế.

Tham luận tại tọa đàm, các chuyên gia, đại diện các cơ quan, đơn vị, tổ chức quốc tế đã bày tỏ quan điểm, nhiều góc nhìn mang tính xây dựng để phát triển kinh tế - xã hội chất lượng, bền vững.

Khái quát tình hình kinh tế thế giới và trong nước, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận định, có 5 yếu tố có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam năm 2022. Bao gồm khả năng kiểm soát dịch; tiến độ giải ngân đầu tư công; khả năng bảo đảm phục hồi sản xuất; khả năng bắt nhịp thực hiện một chương trình sâu rộng về phục hồi và phát triển kinh tế và khả năng tận dụng cơ hội từ đà phục hồi của kinh tế thế giới.

“Quốc hội cần phát huy công tác xây dựng luật để bảo đảm kịp thời, chất lượng, giảm chồng chéo, qua đó củng cố khung pháp lý cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh, kể cả các hoạt động kinh tế mới. Quốc hội cũng tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, huy động hợp lý, hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh việc đề ra những yêu cầu đối với Chính phủ để thực hiện hiệu quả hơn nữa các hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh mới”, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh kiến nghị.

Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương phát biểu.

Tham luận với chủ đề “Covid-19 - Kinh tế Việt Nam lấy lại ánh hào quang”, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) nêu 4 bài học để thúc đẩy quá trình phục hồi và giúp Việt Nam đi vào trạng thái bình thường mới. Cụ thể, tiêm chủng đồng thời với xét nghiệm có ý nghĩa quan trọng để kiểm soát đại dịch và cũng để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế; cần có giải pháp hợp lý hơn trong thực hiện giãn cách, hạn chế đi lại; tìm điểm cân bằng phù hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ và tăng cường trợ giúp xã hội để ngăn chặn tình trạng kiệt quệ tài chính ở các nhóm dễ bị tổn thương và hạn chế gia tăng bất bình đẳng.

Nhấn mạnh một số ưu tiên chính sách và đầu tư để tạo ra sự khác biệt thực sự cho quỹ đạo số hóa ở Việt Nam, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB) Andrew Jeffries cho rằng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số sẽ phải tăng lên đáng kể để hỗ trợ sự mở rộng của lĩnh vực kỹ thuật số. Các công ty khởi nghiệp công nghệ cần được các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách quan tâm đúng mức và thúc đẩy một môi trường thuận lợi có thể giúp ươm tạo, tăng tốc và mở rộng quy mô các dự án kinh doanh mới.

Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB) Andrew Jeffries.

Cần thống nhất khung phục hồi kinh tế sau đại dịch

Thảo luận tại tọa đàm, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) mong muốn Chính phủ sớm ban hành khung chung về phục hồi kinh tế sau đại dịch để các tỉnh, thành phố căn cứ vào đó áp dụng, xây dựng kịch bản phù hợp với tinh hình địa bàn.

“Nếu để mỗi địa phương tự xây dựng kịch bản, chương trình, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thì chúng ta sẽ có 63 nền kinh tế, câu chuyện liên kết vùng, liên kết phòng, chống dịch sẽ không đạt hiệu quả”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nêu ý kiến. Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cũng đề nghị tăng quy mô các gói hỗ trợ cho lao động tự do và doanh nghiệp nhỏ; việc hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm, không thực hiện đại trà.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bày tỏ vui mừng khi Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thực hiện chuyển đổi mô hình chống dịch. Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, nếu chuyển đổi mô hình thì phải cho mở cửa chợ truyền thống, chợ đầu mối, sẽ giảm bớt gánh nặng cho hàng triệu người. Phải có sự thống nhất chứ không thể để mỗi địa phương thực hiện một kiểu thì sẽ dẫn đến đứt gãy các chuỗi cung ứng. Trong khi đó nhu cầu hàng hóa của thế giới đang trở lại, nếu không có chính sách để lôi kéo lao động trở lại các khu công nghiệp sau đại dịch sẽ khiến sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Bày tỏ sự lạc quan với cơ hội cho kinh tế cho Việt Nam nếu khống chế được đại dịch, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành đề nghị cần tính toán phát triển lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế. Lĩnh vực này năm 2019 ở thị trường châu Á có giá trị giao dịch rất lớn, trong khi đó Việt Nam không nằm trong tốp 20 quốc gia hàng đầu về thương mại trang thiết bị y tế. 

Lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành tham dự tọa đàm.

Sử dụng tổng hợp các chính sách, phòng chống dịch hiệu quả và phục hồi, phát triển kinh tế

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tóm lược 5 quan điểm được đưa ra thông qua buổi tọa đàm này. Trong đó, thích ứng với dịch Covid-19 là sử dụng tổng hợp các chính sách, phương thức, cách làm, biện pháp phù hợp trên cơ sở chủ động, khoa học, sáng tạo... tạo hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế.

“Dịch bệnh còn có thể kéo dài, các chính sách, biện pháp phòng, chống dịch và thích ứng thì cần tính đến tác động lâu dài, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa y tế và kinh tế - xã hội. Trong đó cần nhấn mạnh y tế là trụ cột, khoa học công nghệ là then chốt, kinh tế là nền tảng, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên... Huy động nguồn lực xã hội cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 phải có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, đúng đối tượng, tiết kiệm và có hiệu quả; tính đến trước mắt và lâu dài. Kiên định bảo vệ sức khỏe người dân cả về thể chất và tinh thần”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, cần tranh thủ tối đa việc thích ứng để làm động lực hoàn thiện thể chế; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, bao trùm, chuyển đổi mạnh sang số hóa.

“Tọa đàm đã thu hoạch được nhiều ý kiến để làm chất liệu trong hoàn thiện các báo cáo thẩm tra, vạch ra đường hướng hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Tại tọa đàm, một số chuyên gia nhận định, việc đề xuất áp giá sàn vé máy bay là không bảo đảm bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp. Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Đặng Ngọc Hòa cho biết, trước ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch Covid-19 đến ngành hàng không, bất kỳ hãng hàng không nào phá sản sẽ ảnh hưởng chung đến nguồn lực xã hội.

Nêu ra 2 lý do đề xuất áp giá sàn vé máy bay là để bảo đảm các chi phí an toàn hàng không và bảo đảm “sức khỏe” cạnh tranh cho các hãng hàng không khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines khẳng định, đây là biện pháp nhằm chống phá giá, chống giảm giá vé dưới chi phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động thích ứng để tạo hiệu quả phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.