(HNM) - Ngày 17-11, Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã được tổ chức.
Qua báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ do Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trình bày, ý kiến của các đại biểu và đặc biệt là phát biểu chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, có thể thấy rõ những kết quả đáng ghi nhận của TP Hà Nội trong 5 năm qua, đặc biệt là về chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những hạn chế cần khắc phục để việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ đạt hiệu quả hơn. Trong số 5 nhóm vấn đề mà đồng chí Hoàng Trung Hải đề nghị các cấp, ngành quan tâm thực hiện trong thời gian tới, đáng chú ý là nội dung “tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 29-NQ/TƯ và đặc biệt là phương pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết cần bảo đảm sáng tạo, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Thủ đô và sự vận động không ngừng của xã hội…”.
Nâng cao nhận thức, thực hiện nhiệm vụ một cách sáng tạo trên tinh thần quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, không chỉ là yêu cầu tiên quyết mà còn là định hướng cơ bản cho công tác triển khai. Thực tế 5 năm qua cho thấy, những phần việc chưa đem lại kết quả như kỳ vọng là do một số đơn vị, cá nhân, tổ chức chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của phần việc đó hoặc chưa có cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Chẳng hạn như vấn đề chăm sóc sức khỏe học sinh. Trong Nghị quyết 29-NQ/TƯ nêu rất rõ, với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, bên cạnh mục tiêu giúp trẻ phát triển trí tuệ, từng bước hình thành phẩm chất, nhân cách, năng lực công dân… thì cần quan tâm giúp trẻ phát triển thể chất.
Trên thực tế, dù sáng rõ quan điểm giáo dục, chăm sóc trẻ phát triển toàn diện cả về đức - trí - thể - mỹ nhưng khi soi vào hoạt động cụ thể của nhà trường, không phải nơi nào cũng thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục thể chất một cách khoa học, nghiêm cẩn. Vấn đề không chỉ là tổ chức giờ học thể dục, hoạt động ngoại khóa, dạy kỹ năng, bảo đảm chỗ ăn, chỗ ngủ sạch sẽ, thoáng mát, mà còn là xây dựng thực đơn bữa ăn bán trú thực sự khoa học, an toàn, đủ dinh dưỡng cần thiết theo lứa tuổi và có cơ chế kiểm soát thường xuyên, nghiêm túc để bảo đảm hiệu quả trong thực tế.
Giải pháp cho vấn đề không chỉ liên quan tới kinh phí, tới mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và gia đình, mà quan trọng hơn cả là nhận thức của những cá nhân, tổ chức liên quan về tầm quan trọng của việc bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, từ đó đề ra biện pháp giám sát, kiểm tra hiệu quả hơn nữa bởi hiện nay, trẻ mầm non, phổ thông thường ở trường 5 ngày/tuần, mỗi ngày 8 giờ. Một chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, khó kiểm chứng, những bữa ăn gây rối loạn tiêu hóa cho nhiều học sinh… không phải là việc nhỏ bởi sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất của trẻ, nhìn rộng ra là ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi.
Một ví dụ cụ thể để khẳng định ý nghĩa, sự cần thiết nâng cao nhận thức ở các cấp, ngành cũng như yêu cầu chủ động, sáng tạo, trách nhiệm trong tổ chức triển khai Nghị quyết 29-NQ/TƯ trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.