(HNM) - Những ngày đầu năm mới, nông dân Hà Nội đã tranh thủ xuống đồng làm đất, chuẩn bị gieo cấy vụ xuân 2023 với mong muốn sẽ gặt được “mùa vàng”. Để có thêm một vụ xuân bội thu, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất đồng bộ. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về những điểm chính của vụ xuân năm nay.
- Đồng chí có thể cho biết về kế hoạch sản xuất vụ xuân năm 2023?
- Ngay từ những tháng cuối năm 2022, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ xuân 2023. Theo đó, Hà Nội phấn đấu đạt tổng diện tích gieo trồng là 101.712,4ha, trong đó, diện tích lúa là 81.128ha; rau các loại 9.351,7ha; hoa 2.625,9ha; ngô 3.574,9ha; đậu tương 210,5ha...
Về thời vụ gieo trồng, đối với cây lúa, Sở NN&PTNT khuyến cáo các địa phương tập trung gieo cấy trà xuân muộn với hơn 80% diện tích. Gieo mạ đúng lịch thời vụ, tập trung từ ngày 20-1 đến 5-2, các địa phương cần hướng dẫn nông dân chủ động giải pháp chống rét; thực hiện che phủ ni lông 100% diện tích mạ đúng kỹ thuật (chú ý thu gom ni lông sau khi sử dụng, tránh gây ô nhiễm môi trường). Nếu thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, cần giữ đủ ẩm, bón thêm tro bếp, phân lân, tuyệt đối không bón đạm cho mạ. Có kế hoạch gieo mạ dự phòng với tỷ lệ 5-10% bằng các giống lúa ngắn ngày để ứng phó kịp thời với diễn biến thời tiết. Thời vụ cấy lúa xuân muộn tập trung từ ngày 4-2 đến 28-2. Gieo sạ tập trung từ ngày 10-2 đến 20-2; không gieo mạ hoặc cấy vào những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ không khí dưới 15oC; không cấy mạ già; đặc biệt cần mở rộng diện tích làm mạ khay, cấy máy và diện tích gieo trồng lúa có áp dụng hệ thống canh tác cải tiến (System of Rice Intenfisication - SRI). Với cây rau màu, tập trung sản xuất trong tháng 2 đầu tháng 3.
- Theo đồng chí, khó khăn lớn nhất đối với sản xuất vụ xuân ở Hà Nội là gì?
- Vấn đề lớn với sản xuất nông nghiệp là phụ thuộc vào thời tiết. Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, trạng thái La Nina tiếp tục duy trì từ nay đến hết tháng 1-2023 với xác suất 80-90%, sau đó giảm dần với xác suất 50-60% ở các tháng 2 và 3 của năm 2023 và chuyển dần sang trạng thái trung tính.
Trong vụ đông - xuân 2022-2023, ở khu vực Bắc Bộ tháng 11 và tháng 12-2022, nhiệt độ phổ biến ở mức trung bình nhiều năm; tháng 1-2023 ở mức cao hơn khoảng 0,5oC; từ tháng 2 đến tháng 4-2023, nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Dự báo, tổng lượng mưa khu vực Đồng bằng Bắc Bộ từ tháng 11-2022 đến tháng 1-2023 xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; từ tháng 2 đến tháng 4-2023 tổng lượng mưa thấp hơn 15-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đáng chú ý, lượng dòng chảy trên các hồ lớn ở lưu vực sông Đà tiếp tục thiếu hụt 20-30%, trên các lưu vực sông ở khu vực Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt 10-30% so với trung bình nhiều năm, riêng hạ lưu sông Hồng xấp xỉ trung bình nhiều năm trong tháng 2-2023. Do đó, nguy cơ xảy ra thiếu nước cục bộ có khả năng xuất hiện trên một số diện tích sản xuất.
Bên cạnh đó, cơ cấu giống cây trồng, kỹ thuật sản xuất cũng là vấn đề cần lưu ý trong sản xuất vụ xuân.
- Vậy đâu là giải pháp cho vụ xuân 2023 thắng lợi, thưa đồng chí?
- Ngay cuối vụ đông năm 2022, Sở NN&PTNT đã yêu cầu các công ty thủy lợi cũng như các quận, huyện, thị xã phối hợp xây dựng kế hoạch lấy nước cụ thể; tập trung vận hành toàn bộ công trình hiện có, công trình dã chiến... để khẩn trương lấy nước, phục vụ gieo cấy lúa xuân 2023 phù hợp với lịch xả nước dự kiến của Bộ NN&PTNT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Sở NN&PTNT lưu ý, đối với các huyện, thị xã: Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Sơn Tây nằm trong lưu vực tưới của Trạm bơm Trung Hà và Trạm bơm Phù Sa phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện phục vụ bơm nước, trữ nước; chủ động phối hợp với các đơn vị vận hành công trình thủy lợi tập trung lấy nước; thông tin đến từng thôn, xóm về tình hình nguồn nước để người dân chủ động lấy nước vào ruộng, trữ vào kênh tiêu, ao, đầm... không để tình trạng lãng phí nước. Thời vụ cấy vụ xuân kết thúc sớm hơn so với mọi năm nên cần chủ động lấy nước vào ruộng và cấy đúng thời vụ.
Về cơ cấu giống cây trồng, Sở NN&PTNT cũng yêu cầu: Đưa các giống chất lượng cao vào sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; chủ động nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi, theo tiêu chuẩn VietGAP…
Sở NN&PTNT yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn bảo đảm chất lượng, chủng loại giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… phục vụ sản xuất. Đặc biệt, các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp... nắm vững tiến độ; phân công cán bộ tổng hợp và báo cáo tiến độ sản xuất trước, trong và sau Tết Nguyên đán về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổng hợp báo cáo Sở NN&PTNT để có những giải pháp kịp thời.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.