Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động phòng ngừa vi phạm trên mạng “ảo”

Võ Lâm| 28/05/2019 07:31

(HNM) - Với sự phát triển bùng nổ của điện thoại thông minh và internet, cán bộ, đảng viên cũng là đối tượng tham gia mạng xã hội thường xuyên nên có thể nảy sinh những tư tưởng sai lạc, hành vi vi phạm trên mạng “ảo”.

Để phòng ngừa mặt trái của mạng xã hội, Hà Nội chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí với tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Ảnh: Ngọc Hà


“Ảo” mà thực

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương, mạng xã hội đang dần chiếm vai trò đo lường tâm trạng xã hội. Trong nhiều trường hợp, mạng xã hội đã định hướng tư tưởng, dẫn dắt dư luận, có vai trò rất lớn trong một số vụ việc gây mất an ninh trật tự.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến nay đã cấp giấy phép hoạt động theo quy định cho khoảng 450 mạng xã hội. Nhiều mạng xã hội tại Việt Nam có hàng chục triệu người dùng như Facebook, Zalo… Các báo cáo quốc tế cho thấy, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có số người dùng Facebook nhiều nhất thế giới. Mặc dù chưa có thống kê chính thức, nhưng qua khảo sát từ các cơ quan chuyên môn tại Hà Nội, hầu hết cán bộ, đảng viên trẻ đều sử dụng mạng xã hội. Không ít người có nhiều tài khoản, cùng lúc sử dụng nhiều mạng xã hội...

Bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội tiềm ẩn những nguy cơ tiêu cực mà nếu không đủ kiến thức, nhận thức không tốt, người dùng có thể mắc sai phạm. Trên thực tế, không ít cán bộ, đảng viên đã vi phạm về phát ngôn trên mạng xã hội đến mức phải kỷ luật nặng. Mới đây nhất là trường hợp Trưởng khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Trường Chính trị Trần Phú (tỉnh Hà Tĩnh) Lê Hữu Thuận bị cách chức và đình chỉ sinh hoạt Đảng vì đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội. Trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định: "Mạng xã hội đã thực sự là xã hội, không phải ảo nữa, ảnh hưởng của nó là thực, rất thực".

Chủ động thông tin, xử lý nghiêm vi phạm

Tại Hà Nội, lãnh đạo thành phố thường xuyên quan tâm chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp có giải pháp chủ động phòng ngừa tác hại do mạng xã hội mang lại, trước hết là đối với cán bộ, đảng viên. Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội từng nhấn mạnh, trước thông tin trên mạng xã hội, nếu chúng ta lờ đi không giải quyết là làm chưa hết trách nhiệm của mình… Thực hiện chỉ đạo này, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã có những việc làm cụ thể nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội, chủ động cung cấp thông tin, phòng ngừa các vi phạm.

Trao đổi về vấn đề này, Bí thư Chi bộ 4 (phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng) Trần Dân Phong cho biết, trong sinh hoạt hằng tháng, chi bộ thường xuyên cập nhật tình hình, cùng trao đổi về những thông tin giả, những thông tin bịa đặt, vu khống lan truyền nhiều trên mạng để nhắc nhở nhau không mắc lừa. “Chúng tôi thống nhất quan điểm, chỉ tin tưởng các nguồn tin chính thống của các cơ quan nhà nước và báo chí chính thống” - đồng chí Trần Dân Phong khẳng định.

Trong khi đó, Bí thư Đảng ủy xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì Lê Thùy Linh cho hay, Đảng ủy xã coi việc nắm bắt tâm tư, tình cảm của cán bộ, nhân dân qua mạng xã hội là một phần quan trọng trong thực thi công vụ. Nếu thấy có dấu hiệu vi phạm là chúng tôi nhắc nhở, chấn chỉnh ngay.

Thời gian qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã chủ động định hướng, hướng dẫn cấp ủy địa phương xây dựng các lực lượng, phương tiện tuyên truyền với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Theo đó, ngày 17-5-2019, huyện Thường Tín đã khai trương trang “fanpage” trên mạng xã hội Facebook với tên gọi “Thường Tín đất danh hương”. Trước đó, huyện Phúc Thọ có trang “fanpage” “Diễn đàn Phúc Thọ”, quận Hà Đông có trang “Tuổi trẻ Hà Đông”... Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, song song với việc tăng cường chủ động đưa tin tốt, chính thống, cán bộ tuyên giáo còn phối hợp với các lực lượng để kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên thể hiện trên mạng xã hội.

Không chỉ phát huy vai trò chủ động của ngành Tuyên giáo, các cấp ủy còn chủ động tăng cường kiểm tra, giám sát vi phạm của cán bộ, đảng viên. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết cho biết, trọng tâm công tác của ngành là kiểm tra tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm, trong đó có cả những dấu hiệu vi phạm liên quan đến mạng xã hội… Từ thực tế cơ sở, đồng chí Nguyễn Phú Quốc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Ba Đình cho biết, theo dõi, nắm bắt tình hình cán bộ, đảng viên tham gia mạng xã hội là việc làm thường xuyên được quan tâm. Thực tế ở quận chưa phát hiện trường hợp vi phạm nào, nhưng chỉ cần có dấu hiệu vi phạm sẽ được nhắc nhở. Nếu cá nhân đó không chuyển biến sẽ kiểm tra dấu hiệu vi phạm để xử lý.

Với những giải pháp được triển khai sâu rộng như vậy, thành phố đang ngày càng nắm thế chủ động hơn về công tác tư tưởng trên môi trường mạng. Tuy nhiên, theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Hà Nội vẫn mong Ban Tuyên giáo Trung ương sớm ban hành và triển khai đề án đưa thông tin tích cực lên mạng xã hội để bảo đảm sự thống nhất trong thực hiện, cũng như tạo thành cộng đồng tích cực trên mạng xã hội để định hướng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng ngừa vi phạm trên mạng “ảo”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.