(HNM) - Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động thành phố, năm 2017, Hà Nội vẫn là một trong những địa phương có số vụ tai nạn lao động cao của cả nước.
Đã gần một năm nay, anh Nguyễn Văn Vượng (công nhân Công ty TNHH Bê tông đúc sẵn và cơ khí Bình Dương, huyện Đông Anh) phải gánh chịu hậu quả nặng nề do bị tai nạn lao động. Chỉ một phút bất cẩn trong khi làm việc, anh bị ngã dẫn đến trẹo cột sống, phải nằm viện điều trị dài ngày, mất sức lao động, ảnh hưởng đến cuộc sống của cả gia đình.
Với ông Nguyễn Văn Giảng (ở tổ dân phố Yên Hà, thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm), nỗi đau mất cháu nội do tai nạn lao động từ gần 4 năm trước vẫn còn dai dẳng. Hôm đó, sau khi quay ghi dẫn đầu máy tàu vào ga, Nguyễn Thành Công (24 tuổi, cháu nội ông Giảng) đi về phòng thường trực của Ga Yên Viên để tiếp tục làm nhiệm vụ. Ngay lúc ấy, một đoàn tàu chạy qua ga với tốc độ lớn đã khiến Công không tránh kịp nên bị tai nạn và qua đời. Không chỉ với hai gia đình trên, nỗi đau mất mát do tai nạn lao động còn hằn sâu trong cuộc sống của hàng trăm gia đình có người thân bị thương vong do tai nạn trên địa bàn thành phố.
Theo Liên đoàn Lao động thành phố, trong năm 2017, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 254 vụ tai nạn lao động, làm 31 người chết và 238 người bị thương. Nạn nhân của các vụ tai nạn lao động hầu hết là lao động phổ thông, lao động trẻ, ký hợp đồng lao động thời vụ dưới 3 tháng, không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Và ngay trong những tháng đầu năm 2018, tình hình tai nạn lao động vẫn không có dấu hiệu giảm.
Theo Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố) Tạ Văn Dưỡng, Liên đoàn Lao động thành phố xây dựng Kế hoạch số 18/KH-LĐLĐ, chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai công tác bảo hộ lao động, phát động hưởng ứng Tháng An toàn vệ sinh lao động.
Liên đoàn Lao động thành phố còn tổ chức hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi, hội thảo “Trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong công tác an toàn vệ sinh lao động”; tổ chức 7 lớp tập huấn cho 100% cán bộ lãnh đạo và chuyên viên phụ trách công tác an toàn vệ sinh lao động tại các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Liên đoàn Lao động thành phố tham gia thanh, kiểm tra tại 170 đơn vị, doanh nghiệp về công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, tập trung vào các cơ sở sử dụng, quản lý các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động…
Tuy vậy, Hà Nội vẫn là đơn vị có số người chết do tai nạn lao động đứng thứ hai cả nước. Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Thiệu cho rằng, nguyên nhân đầu tiên vẫn là nhận thức không đầy đủ của chủ sử dụng lao động và người lao động.
Công tác dự báo, phòng ngừa tai nạn lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trường còn chưa nghiêm túc, thiếu bảo hộ lao động. Chế độ, chính sách đối với người lao động không được thực thi đầy đủ, nhất là những lao động làm việc trong môi trường độc hại; công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, khám sức khỏe định kỳ vẫn hình thức, đối phó…
Bên cạnh việc phối hợp thanh, kiểm tra, Liên đoàn Lao động thành phố tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn chú trọng huấn luyện và truyền thông nhằm phòng ngừa, hạn chế tai nạn lao động. Đặc biệt là thực hiện nghiêm túc việc huấn luyện an toàn, bảo đảm người lao động được đào tạo ngay từ đầu về kỹ năng, giúp họ đủ năng lực phát hiện được nguy cơ và biết cách phòng tránh, bảo vệ mình tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.