Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Gần đây nhất, vào ngày 18-6 xảy ra vụ đứt cáp thang tời vật liệu tại công trường xây dựng Trường Mầm non Đông Yên B (xã Đông Yên, huyện Quốc Oai) làm 3 người tử vong, 7 người bị thương.
Nguyên nhân của những vụ tai nạn lao động nêu trên chủ yếu do nhiều đơn vị, doanh nghiệp và người lao động chưa quan tâm đúng mức đến công tác an toàn, vệ sinh lao động. Nhiều người lao động không được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn. Đội ngũ thanh tra lao động mỏng, tần suất thanh tra thấp nên thiếu sâu sát, chưa phát hiện kịp thời các vi phạm, nguy cơ mất an toàn hoặc có phát hiện nhưng việc xử lý chưa kiên quyết. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động…
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo, trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm cả nước có khoảng 230 nghìn người bị tai nạn lao động, gây thiệt hại kinh tế hàng chục nghìn tỷ đồng. Tai nạn lao động diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng tới môi trường sản xuất bền vững, tới sức hút đầu tư nước ngoài và việc thực thi các cam kết về lao động của nước ta...
Nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn lao động, đặc biệt là các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 51/CĐ-TTg (ngày 21-5-2024) về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động. Mới đây (ngày 18-6), Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đã ký ban hành Công văn số 1935/UBND-KGVX về việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố.
Để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố, thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác an toàn vệ sinh lao động trong tình hình mới. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới công tác quản lý về an toàn, vệ sinh lao động, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm về an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ; tăng cường quản lý hoạt động xây dựng, kiên quyết tạm đình chỉ các công trình xây dựng tư nhân, nhà dân sát đường giao thông không bảo đảm biện pháp thi công, biện pháp an toàn.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động, người lao động về an toàn, vệ sinh lao động, các địa phương cần xử lý nghiêm và thông báo công khai vi phạm của đơn vị, doanh nghiệp để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người trên các phương tiện thông tin đại chúng, để các tổ chức, cá nhân nhận thức về sự cần thiết phải tuân thủ nghiêm pháp luật an toàn, vệ sinh lao động. Đặc biệt, cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm an ninh con người. Bên cạnh đó là phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc, của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc vận động tuyên truyền và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc...
Hậu quả của các vụ tai nạn lao động thường rất nặng nề, lâu dài, không chỉ ảnh hưởng đến công việc mà còn cả sinh mạng của người lao động. Sự chủ động các giải pháp phòng ngừa, cùng sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội chắc chắn sẽ hạn chế được thấp nhất số vụ tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.