Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động phòng bệnh truyền nhiễm ở trẻ

Thu Trang| 08/06/2020 06:35

(HNM) - Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, trong những ngày nắng nóng gay gắt, tại một số bệnh viện trên địa bàn Thủ đô đã tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhi mắc viêm não, tay chân miệng, nhiễm khuẩn hô hấp, ho gà, sởi… Điều đáng nói, có những trường hợp khi nhập viện đã rơi vào tình trạng nặng, xuất hiện biến chứng. Do đó, các bậc phụ huynh cần chủ động phòng bệnh, đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch.

Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ là một trong những biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm hiệu quả. Ảnh: Xuân Lộc

Nhập viện do tiêm chủng không đầy đủ

Bé P.B.T. (10 tuổi, ở tỉnh Hải Dương) được đưa đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) trong tình trạng nguy kịch, sốt cao, hôn mê và phải thở máy. Trước đó, khi thấy con sốt, gia đình chủ quan, tự mua thuốc hạ sốt cho con uống. Sau 2 ngày bé T. sốt cao, gia đình mới đưa đến bệnh viện. Kết quả, bé T. bị viêm não Nhật Bản ở giai đoạn nặng. “Dù bé T. đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin phòng viêm não Nhật Bản, nhưng ở mũi tiêm thứ 3 lại chậm 1 năm so với quy định. Trường hợp này là điển hình của việc tiêm không đúng phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế, nên vẫn mắc bệnh”, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới lý giải.

Cũng điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương), bé T.V.S. (2 tuổi, ở quận Đống Đa) vẫn còn chi chít các nốt phỏng đỏ kín hai chân. Mẹ của bé S. cho biết: “Thấy con trai xuất hiện các nốt phỏng ở chân, tay, tôi đã mua thuốc về bôi cho con, nhưng không thấy đỡ, thậm chí còn sốt cao. Sau đó, tôi đã đưa con đến bệnh viện và được các bác sĩ cho biết, con tôi bị bệnh tay chân miệng”…

Từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) đã tiếp nhận gần 100 ca viêm não, trong đó có 2 ca viêm não Nhật Bản và khoảng 10 ca tay chân miệng. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, bệnh viêm não Nhật Bản thường gia tăng trong những ngày hè nắng nóng. Đây là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (khoảng 25-35%). Nếu người bệnh qua khỏi cũng có thể để lại di chứng nặng nề, như: Rối loạn tâm thần, rối loạn vận động… Hầu hết các ca bệnh nhập viện đều do không tiêm vắc xin hoặc tiêm không đầy đủ.

Tương tự, vào những ngày nắng nóng, tại Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) đã khám ngoại trú cho khoảng 200 bệnh nhi/ngày, trong đó có 10-15 trẻ phải nhập viện với các bệnh: Viêm phổi, tay chân miệng, ho gà, bệnh lý về tiêu hóa…

Từng nhiều năm công tác tại Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) và gặp nhiều trường hợp tương tự, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho biết, khi trẻ ốm, sốt, nhiều phụ huynh cho con uống hạ sốt và vẫn cho con đi học bình thường. Khi mắc bệnh truyền nhiễm, nếu trẻ không được cách ly kịp thời, tạo ra nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Ghi nhận tại các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc ngành Y tế Thủ đô trong 5 tháng đầu năm 2020 cho thấy, toàn thành phố có 14 ca sởi, 26 ca tay chân miệng, 5 ca ho gà, 2 ca não mô cầu…, nhưng chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Tránh sai lầm khiến bệnh nặng hơn

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, so với cùng kỳ năm 2019, các bệnh truyền nhiễm ở trẻ được ghi nhận đến thời điểm này đều giảm mạnh. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến tháng 10 là mùa của nhiều bệnh truyền nhiễm. Do đó, các đơn vị được giao nhiệm vụ trong ngành Y tế cần thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý ổ dịch một cách kịp thời. Mặt khác, cần tổ chức tốt công tác tiêm chủng để phòng các dịch bệnh truyền nhiễm, cung ứng đủ số lượng vắc xin, rà soát đối tượng tiêm bù, tiêm vét.

Riêng với bệnh tay chân miệng, theo ông Hoàng Đức Hạnh, đây là bệnh lây qua đường tiêu hóa và hiện chưa có vắc xin tiêm phòng, nên cần phòng tránh bằng cách tăng cường bảo đảm vệ sinh cho trẻ. Vì vậy, các gia đình, nhà trường cần tuyên truyền và hỗ trợ trẻ giữ vệ sinh, nhất là phải duy trì thói quen rửa tay. Bên cạnh đó, cũng cần thường xuyên vệ sinh đồ chơi, cho trẻ ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi đúng giờ giấc và giữ gìn nhà cửa thông thoáng. Với bệnh viêm não Nhật Bản vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng lại có vắc xin phòng bệnh, nên phải tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cho trẻ.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, có những phụ huynh không cần cặp nhiệt độ, không biết chính xác con sốt bao nhiêu độ, nhưng chỉ cần thấy đầu, cơ thể con bị nóng lập tức cho uống hạ sốt. Sai lầm này khiến trẻ nhập viện khi bệnh đã nặng. Do đó, khi thấy trẻ sốt cao không hạ, ăn uống kém..., phải đưa đến các cơ sở y tế thăm khám, tuyệt đối không tự ý điều trị.

“Mùa hè, thời tiết nắng nóng, mồ hôi tiết ra nhiều khiến cơ thể mất đi lượng nước đáng kể, vì vậy cần cho trẻ uống đủ nước. Ngoài ra, sắp xếp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, thoáng mát, loại bỏ những vật dụng không cần thiết dễ làm ổ phát sinh muỗi truyền bệnh. Đặc biệt, cần tăng cường sức đề kháng bằng cách cho trẻ ăn nhiều loại trái cây, rau xanh chứa vitamin C. Sự chủ động về vệ sinh, dinh dưỡng sẽ hạn chế được các bệnh truyền nhiễm ở trẻ”, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng bệnh truyền nhiễm ở trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.